Dịch chuyển lao động và bài toán về nguồn nhân lực

Thứ Hai, 10/02/2025, 17:29 [GMT+7]
In bài này
.

Tết rồi về quê gặp lại Phúc, cô bé năm xưa từ quê vào TP.Vũng Tàu giúp việc nhà, sau đó được người quen xin vào làm công nhân một doanh nghiệp sản xuất giày thể thao trong KCN Đông Xuyên. Phúc khoe, cháu giờ chuyển về quê làm việc được 3 năm rồi, chuẩn bị xây nhà mới. Từ nhà ra đến nơi công ty đóng chân trên cánh đồng làng chỉ cách 3km. Trò chuyện thêm mới biết, có rất nhiều lợi ích khi chuyển về làm việc ở quê hương. Đó là thu nhập không thấp hơn nhưng chi phí sinh hoạt rẻ hơn, không phải thuê nhà, con cái được học trường công lập. Và có rất nhiều người xa quê đi làm công nhân ở các tỉnh miền Nam đã chọn trở về quê lập nghiệp do điều kiện thuận lợi mà Phúc đã kể trên.

Gặp Chủ tịch UBND xã nhà, anh cũng khoe trên địa bàn xã có tới 3 công ty có vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất hàng may mặc, linh kiện điện tử để xuất khẩu. 3 doanh nghiệp này sử dụng hàng ngàn lao động và hàng năm đều có nhu cầu tuyển dụng thêm. Đây cũng là lý do mà mỗi buổi chiều khi tôi đi dọc con đường làng, phía cánh đồng trước đây chuyên sản xuất 3 vụ xen canh lúa và rau màu mọc lên rất nhiều nhà xưởng. Con đường từ thành phố về nhà cũng được mở rộng, nâng cấp để các doanh nghiệp dễ dàng vận chuyển hàng hóa hơn. “Ly nông bất ly hương” - cũng là xu hướng mà nhiều lao động địa phương đang lựa chọn.

Câu chuyện này cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho việc tuyển dụng lao động của các địa phương tập trung nhiều KCN ở khu vực phía Nam, trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đánh giá từ các chuyên gia, xu thế dịch chuyển lao động về nông thôn miền Trung, miền Bắc diễn ra sôi động từ sau dịch COVID-19, qua đó góp phần giảm tải áp lực về việc làm, nhà ở, an sinh xã hội... cho các thành phố lớn, tuy nhiên cũng đặt ra không ít khó khăn khi giải bài toán về nguồn nhân lực.

Nhận định của Bộ LĐ-TBXH cho thấy, trong năm 2025 thị trường lao động sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp là việc giữ chân nhân sự sau Tết. Đây là bài toán nan giải khi nhiều người lao động lựa chọn nghỉ việc hoặc dịch chuyển nơi làm việc. Đặc biệt là sự cạnh tranh thị trường lao động giữa các địa phương, khu vực rất lớn, đòi hỏi DN phải có chính sách thu hút không chỉ về lương thưởng, việc làm mà còn cả về chính sách phúc lợi xã hội.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, thông tin từ cơ quan chức năng dự báo năm 2025 sẽ có hơn 15 ngàn vị trí việc làm cần tuyển dụng. Trong đó, tính riêng tháng 2/2025 đã có gần 30 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh với nhu cầu tuyển gần 19 ngàn lao động với ngành nghề chủ yếu như may mặc, thợ hàn, thợ lắp ráp, thu ngân, nhân viên kinh doanh… Nhu cầu rất lớn tuy nhiên qua đăng thông tin tuyển dụng trên phương tiện thông tin truyền thông hoặc tuyển dụng trực tiếp tại phiên giao dịch việc làm, phản ánh từ doanh nghiệp cũng cho thấy, việc tìm được nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu hết sức khó khăn, thậm chí thiếu nguồn.

Và nếu như việc dịch chuyển lao động như câu chuyện của Phúc lan rộng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lao động khi kinh tế đang phục hồi, nhiều doanh nghiệp triển khai dự án mới, ký kết thêm đơn hàng trong năm 2025. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với trường dạy nghề, địa phương trong đào tạo nguồn nhân lực cũng như có chính sách ưu việt để thu hút, giữ chân, giảm thiểu việc biến động lao động trong tương lai gần.

NGÔ GIA 

;
.