.

Chữ tín làm đầu

Cập nhật: 17:28, 06/02/2025 (GMT+7)

Bà Sáu bán hàng ăn sáng ở đầu hẻm với các món bánh ướt, bún xào. Thỉnh thoảng tôi vẫn ghé dùng vì ngon miệng, hợp vệ sinh. Hôm nay (mùng 9 tháng Giêng), bà “khai trương” sau Tết, tôi thầm nghĩ chắc bà sẽ tăng giá như bao hàng quán khác. Một chị khách quen khi tính tiền đã tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi sao bà Sáu không tăng giá vì sau Tết hàng hóa còn đắt đỏ.

Bà Sáu bảo, toàn khách quen cả, tăng thêm mỗi dĩa vài ba ngàn đồng làm chi cho mang tiếng. “Đúng là nguyên liệu đầu vào thứ gì cũng tăng vài ba chục ngàn mỗi ký, nhưng mình chịu thiệt xíu, lấy thêm của bà con vài ngàn sao coi đặng”, bà Sáu phân bua. Rồi bà kể tiếp, bà buôn bán mấy chục năm nay, có năm nào lợi dụng Tết nhứt để tăng giá đâu. Mình kinh doanh nhỏ, nhưng cũng phải biết lấy chữ tín làm đầu, mấy ngày này lời lãi có thể giảm đi chút nhưng nhờ vậy mà được khách thương, ủng hộ đều cả năm nên luôn hết hàng sớm. “Đấy, bây xem, quán ăn ở Nha Trang bị khách tố “chặt chém” đã phải đóng cửa, tháo dỡ bảng hiệu rồi. Làm ăn kiểu chụp giựt như vầy sao tồn tại lâu dài được”, bà Sáu kết luận.

Câu chuyện càng xôm tụ khi vài vị khách khác góp chuyện xoay quanh chủ đề hàng hóa “té nước theo mưa”, thường tăng giá vào dịp Tết với lý do chi phí đầu vào tăng nên phải tăng giá bán để bù đắp. Đây là câu chuyện chưa có hồi kết khi nhiều cơ sở kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh ăn uống thường lợi dụng thời điểm trước, trong và sau Tết để điều chỉnh tăng giá rồi neo ở đó luôn, dù nguyên liệu đầu vào, nhân công đã trở về trạng thái bình thường.

Có thể nhận thấy, hầu hết các vụ việc chủ quán tăng giá hàng hóa bất hợp lý, sau khi bị phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đều bị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý hoặc bị người tiêu dùng tẩy chay. Trường hợp nhẹ thì bị nhắc nhở, xử phạt, nặng thì bị thu hồi giấy phép kinh doanh, thậm chí là đóng cửa, tháo dỡ bảng hiệu như quán ăn ở Nha Trang trong dịp Tết vừa qua.

Đa số người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận hàng quán, dịch vụ tăng giá ở mức hợp lý trong dịp Tết để bù đắp chi phí đầu vào, nhưng không ai chấp nhận tình trạng tăng giá tới mức “chặt chém” khách hàng. Trong thời buổi mà hầu như ai cũng dùng mạng xã hội, bất kỳ chuyện gì cũng có thể được đưa lên mạng thì những hành vi kinh doanh gian dối, tăng giá bất thường khó có thể trót lọt. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng ngày càng chú trọng đến tính minh bạch, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, lấy uy tín làm đầu. Vì vậy, những trường hợp kinh doanh gian dối sẽ không có chỗ đứng. Chỉ những cơ sở kinh doanh đàng hoàng, lấy chữ tín làm đầu mới tồn tại lâu bền.

Trong quá khứ và cả hiện tại, đã có nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa vĩnh viễn vì thái độ coi thường khách hàng, có hành vi gian dối, lừa gạt, “chặt chém” khách. Thậm chí, nhiều hàng quán có thương hiệu, uy tín hàng chục năm nhưng chỉ vì một sai sót nhỏ dẫn đến khủng hoảng truyền thông, bị khách hàng tẩy chay, phải đóng cửa.  

Một gánh hàng ăn sáng nhỏ như của bà Sáu nêu trên còn có ý thức giữ gìn uy tín, thương hiệu, thì không lý do gì một quán ăn có bảng hiệu, có mặt bằng cố định lại không ý thức xây dựng uy tín cho mình. Thực tế đã cho thấy, những cơ sở làm ăn chân chính, luôn giữ chữ tín trong kinh doanh sẽ thường đông khách. Kinh doanh ăn uống là lấy công làm lời, mỗi món ăn lời chút đỉnh, nhưng đông khách thì sẽ lời nhiều mà lại bền vững. Làm gì có cơ sở kinh doanh chụp giật nào tồn tại được lâu bền. Cơ quan chức năng không thể quản lý và xử lý triệt để các hành vi gian lận mà trách nhiệm chính là của chủ nhà hàng, quán ăn!

NGUYỄN ĐỨC

 
.
.
.