Tình trạng “chặt chém” khách hàng ở nhiều loại dịch vụ trong những dịp lễ, Tết không những làm xấu hình ảnh của địa phương, mất đi tình cảm của du khách trong nước, quốc tế, mà chính bản thân của cơ sở đó cũng bị thiệt hại nặng nề. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý, thế nhưng tình trạng này vẫn còn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Mới đây, một quán ăn ở Hà Nội bị tạm đình chỉ hoạt động để tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định vì bán 3 bát bún riêu với giá “cắt cổ” 1 đêm mùng 1 Tết Ất Tỵ. Cụ thể, rạng sáng mùng 2 Tết, một tài khoản trên facebook chia sẻ cô phải chuyển khoản 1,2 triệu đồng để thanh toán 3 bát bún riêu. Khi “nạn nhân” tung thông tin lên mạng, cơ quan chức năng đến làm việc, chủ quán thừa nhận là có sai sót, do “đùa”, không ngờ khách tưởng thật nên chuyển khoản thanh toán đúng số tiền trên.
Không ai có thể tin được lời giải thích của chủ quán. Và hậu quả chính chủ quán cũng không thể lường hết được, đó là quán thì bị tạm đình chỉ, tên quán thì bị nêu trên cộng đồng mạng, khách hàng e rằng sẽ khó quay lại…
Trên thực tế, vào các dịp lễ, Tết, các quán ăn, cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch có thêm phụ thu là chuyện bình thường. Nhưng mức tăng giá phải hợp lý, khách hàng chấp nhận được.
Một đồng nghiệp tôi kể, dịp Tết rồi, nhà có bạn ở TP. Hồ Chí Minh xuống chơi. Bạn đã dẫn mọi người đi ăn loanh quanh các quán ở Vũng Tàu, Long Sơn… Tất cả đều có phụ thu, đồng thời mức giá có nhỉnh hơn so với ngày thường. Nhưng hầu hết, khách hàng đều vui vẻ chấp nhận vì đây là thời điểm Tết, coi như chia sẻ với chủ quán. Bởi, trong dịp lễ, Tết giá cả nguyên liệu cũng cao hơn so với ngày thường, cùng với đó nguồn nhân lực phục vụ cho ngày Tết cũng phải trả cao hơn.
Mấy năm gần đây, Bà Rịa-Vũng Tàu đã ghi điểm được với du khách vì thị trường Tết giữ được an toàn và ổn định. Trong suốt dịp lễ vừa qua, toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp “chặt chém”khách. 98% tiểu thương tại các chợ truyền thống, siêu thị và điểm kinh doanh nhỏ lẻ trên toàn tỉnh tuân thủ nghiêm việc niêm yết giá. Tại một số quán ăn, điểm du lịch, khi có khách hàng tới, nhân viên thông báo rõ mức phụ thu hoặc dán trên bàn để khách biết. Vì thế mà khách hàng thấy thoải mái vì sự minh bạch, buôn bán văn minh.
Để đạt được kết quả này, cũng phải ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của địa phương. Đó là bên cạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tỉnh cũng kiên trì đẩy mạnh tuyên truyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi tại khu dân cư; xây dựng niềm tin cho khách hàng. Và đặc biệt là tạo sự đồng lòng giữa chính quyền, cơ sở kinh doanh và khách hàng. Nhờ đó, lượng khách đến với Bà Rịa- Vũng Tàu trong dịp Tết vừa qua không ngừng tăng. Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch, từ mùng 1 đến mùng 5 Tết, toàn tỉnh đón hơn 773.000 lượt khách, tăng hơn 13% so với dịp Tết 2024, trong đó khách lưu trú hơn 375.000 lượt, riêng khách quốc tế hơn 25.000 lượt.
Rõ ràng, việc kiểm soát giá cả cũng là một trong những yếu tố để thu hút du khách và tăng trưởng du lịch, là động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
NHẬT MINH