Sắp tới, một số trường THPT trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào một số tiết học tập trung, giáo dục hướng nghiệp nhằm khơi gợi hứng thú cho học sinh.
AI là xu hướng giáo dục đã được ứng dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, thay thế giáo viên đứng lớp như thông thường. Tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, công nghệ AI bước đầu cũng đã được ứng dụng trong giảng dạy tại một số trường học.
AI trong giáo dục mang lại nhiều lợi ích vượt trội, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng học tập và giảm tải công việc cho giáo viên. AI có thể cá nhân hóa quá trình học, giúp học sinh học tập theo tốc độ và phương pháp phù hợp với năng lực cá nhân. Bên cạnh đó, AI cũng hỗ trợ trong việc tự động hóa các công việc hành chính như chấm bài, theo dõi tiến độ học tập của học sinh.
Tuy nhiên, việc AI thay thế giáo viên đứng lớp cũng gây ra nhiều tranh cãi và lo ngại. Nhiều người đặt câu hỏi liệu học sinh có thể hình thành mối quan hệ gắn bó với phần mềm AI vô tri giác như giữa giáo viên và học sinh hay không. Khi học sinh có thắc mắc hoặc gặp khó khăn trong bài học, liệu AI có đủ khả năng để giải thích một cách linh hoạt và dễ hiểu như giáo viên?
Các giáo viên cũng bày tỏ lo ngại rằng phần mềm AI sẽ không thể truyền đạt đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết cho học sinh, đặc biệt là trong các lĩnh vực cần sự tương tác và phản hồi trực tiếp, như các môn học về nghệ thuật, ngôn ngữ, hay các kỹ năng mềm. Hơn nữa, sự phát triển mạnh mẽ của AI có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp đối với giáo viên cũng đang là một vấn đề cần được suy xét.
Thực tế, khi ứng dụng các phần mềm AI vào giáo dục đã bộc lộ những thiếu sót và hạn chế. Hơn nữa, AI hiện nay vẫn không thể thay thế hoàn toàn giáo viên trong nhiều khía cạnh quan trọng như phát triển kỹ năng mềm, giao tiếp xã hội và khả năng tạo động lực học tập cho học sinh. Các phần mềm AI chỉ có thể hỗ trợ học sinh trong việc cung cấp kiến thức theo một chương trình chuẩn, nhưng lại thiếu khả năng thích ứng với từng hoàn cảnh cụ thể của học sinh, đặc biệt là đối với những học sinh có nhu cầu đặc biệt hoặc gặp khó khăn trong việc học.
Dù vậy, công nghệ AI đang và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ về phương thức giảng dạy và học tập trong giáo dục. Theo đó sẽ có những vai trò, phần việc nhất định của giáo viên bị AI dần thay thế. Để thích ứng với xu hướng này, hệ thống giáo dục cần nhanh chóng điều chỉnh và đổi mới chương trình đào tạo sư phạm, giúp sinh viên ngành sư phạm có thể làm quen và sử dụng công nghệ AI một cách hiệu quả ngay từ khi còn học tại các trường đại học, cao đẳng. Nếu không, những giáo viên trong tương lai có thể sẽ cảm thấy lạc hậu khi đối diện với những công nghệ giảng dạy tiên tiến.
Đối với những giáo viên đang dạy giảng, để không bị thay thế bởi “giáo viên AI”, các thầy cô giáo cần phải được đào tạo, tập huấn về cách sử dụng hiệu quả công nghệ AI trong giảng dạy. Thay vì chỉ đơn thuần giảng dạy theo giáo trình có sẵn, giáo viên cần biết cách sử dụng công nghệ để cá nhân hóa quá trình học tập cho học sinh, khuyến khích sự sáng tạo và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề của các em.
Có kỹ năng và kiến thức sử dụng AI tốt, giáo viên không chỉ thoát khỏi lo ngại bị AI thay thế mà còn biến chúng thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho công việc của bản thân.
NGUYỄN THI