Thứ Bảy không đến trường

Thứ Sáu, 03/01/2025, 16:21 [GMT+7]
In bài này
.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tiến hành khảo sát 100% học sinh và phụ huynh về đề xuất cho học sinh nghỉ học vào ngày thứ Bảy. Thông tin này thu hút sự chú ý đặc biệt của phụ huynh, học sinh, giáo viên và toàn xã hội. Nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ đối với phương án cho học sinh khối trung học nghỉ thêm một ngày cuối tuần. Tuy nhiên, không ít người vẫn còn băn khoăn, lo ngại về cách sắp xếp chương trình để đảm bảo đủ kiến thức theo quy định mà không gây quá tải cho học sinh.

Xét ở khía cạnh tâm lý và sức khỏe, việc nghỉ học vào ngày thứ Bảy sẽ giúp học sinh có hai ngày cuối tuần liền kề (thứ Bảy, Chủ nhật) để thư giãn và phục hồi thể lực. Khoảng thời gian này vô cùng quan trọng nhằm giảm bớt căng thẳng, tạo điều kiện để các em quay lại trường học vào đầu tuần với tâm thế thoải mái hơn. Bên cạnh đó, giáo viên cũng có thêm thời gian chuẩn bị bài giảng, bồi dưỡng chuyên môn, chăm sóc gia đình, từ đó nâng cao chất lượng dạy - học.

Không chỉ vậy, hai ngày nghỉ cuối tuần liền kề còn mang lại cơ hội để các nhà trường tổ chức hoặc khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động phát triển kỹ năng sống, tình nguyện, dã ngoại. Đây chính là môi trường lý tưởng giúp các em rèn luyện tư duy sáng tạo, tăng cường trải nghiệm thực tế, mở rộng vốn sống và kết nối cộng đồng.

Tuy nhiên, việc “cắt” ngày thứ Bảy ra khỏi lịch học cũng đồng nghĩa với yêu cầu tăng tiết buổi chiều trong tuần để bù đắp thời lượng chương trình theo quy định. Nếu không được bố trí hài hòa, học sinh dễ gặp tình trạng “quá tải” khi phải học dồn dập vào buổi chiều.

Để triển khai phương án này một cách hiệu quả, các cơ quan chức năng, nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ. Trong đó, nhà trường cần xây dựng khung thời khóa biểu thật khoa học và linh hoạt. Trước hết, không nên dồn các môn khó, đòi hỏi tư duy cao liên tục trong cùng một buổi; thay vào đó, cần xếp xen kẽ môn nhẹ để học sinh được “giải lao” về mặt trí lực. Thứ hai, nên thiết kế giờ ra chơi, giải lao hợp lý, tạo không gian để các em tranh thủ vận động, tham gia những trò chơi nhỏ để tái tạo năng lượng. Thứ ba, việc áp dụng các phương pháp dạy học mới, như ứng dụng công nghệ, bài giảng điện tử, thảo luận nhóm… sẽ giúp giờ học thêm sinh động, duy trì hứng thú cho học sinh.

Quan trọng không kém, phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, phản hồi kịp thời về tình trạng sức khỏe, học lực của con em mình để điều chỉnh cho phù hợp.

Bên cạnh đó, việc tổ chức khảo sát và thu thập đầy đủ ý kiến giáo viên, phụ huynh sẽ giúp xây dựng khung thời khóa biểu linh hoạt, đảm bảo cân bằng giữa dạy học trên lớp và các hoạt động ngoại khóa, đồng thời duy trì cơ chế kiểm tra, đánh giá định kỳ nhằm điều chỉnh kịp thời những bất cập phát sinh.

Nếu được tiến hành một cách khoa học, chủ trương nghỉ học ngày thứ Bảy, tổ chức học 2 buổi/ngày là một hướng đi phù hợp. Phương án này không chỉ cải thiện chất lượng giáo dục mà còn tạo thêm điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và kỹ năng sống, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục.

NGUYỄN THI

;
.