Nhà tôi có 5 người, ai cũng dùng điện thoại thông minh. Những lúc rảnh rỗi, mỗi người thường dùng điện thoại lướt mạng Facebook, TikTok, Youtube! đọc tin tức, nghe nhạc, xem phim ngắn để giải trí. Xen lẫn trên đó là các đoạn quảng cáo bán hàng online qua hình thức livestream (trực tiếp) hoặc đăng ảnh, video.
Sau vài lần mua những món hàng cần thiết qua mạng, kênh mua sắm này dần trở thành thói quen với gia đình tôi, thay cho việc đến cửa hàng, chợ truyền thống như trước. Con gái tuổi mới lớn, thích mua mấy đồ lặt vặt, lúc là cái kẹp tóc, nơ cài đầu, lúc là bộ quần áo hay cái váy… Người lớn thì mua quần áo, váy vóc, dép, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng như đèn trang trí, đèn màu, bạt trùm xe... Vậy mà hầu như ngày nào shipper cũng gõ cửa, có ngày vài lần.
Đây có lẽ cũng là thói quen mua sắm của nhiều gia đình trong thời hiện đại, nhất là những gia đình trẻ.
Hàng trên mạng thường có giá rẻ hơn ở cửa hàng, chợ nhưng chất lượng thì khó được như ý. Tâm lý chung của nhiều người là hàng trị giá thấp, mua về không xài được thì bỏ cũng không tiếc. Và việc mua hàng online như một thú vui đã thành thói quen khó bỏ. Thực tế, nhiều món hàng nếu không được quảng cáo trên mạng chắc cũng không ai biết tới hoặc không bao giờ hỏi mua ở cửa hàng.
Giá rẻ, cộng với việc dễ dàng tiếp cận người dùng nên hàng online dễ được người tiêu dùng chấp nhận. Đây chính là lý do giúp cho hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong vòng 10-15 năm qua, đặc biệt, trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng duy trì 20-25%/năm.
Theo thống kê của Bộ Công thương, cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam đạt khoảng 2,2 tỷ USD, đến năm 2023 đã lên tới 20,5 tỷ USD và năm 2024 ước đạt 22 tỷ USD, đứng thứ 3 Đông Nam Á sau Indonesia (65 tỷ USD) và Thái Lan (26 tỷ USD). Các chuyên gia kinh tế dự báo, đến khoảng năm 2030, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 63 tỷ USD, vượt Thái Lan và chỉ đứng sau Indonesia.
Thương mại điện tử là một thị trường lớn đầy tiềm năng và cơ hội phát triển, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý về thuế, nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa.
Gần đây, nhiều người bán hàng online đăng trên mạng xã hội đề nghị khách hàng khi chuyển khoản trả tiền không ghi nội dung mua - bán hay đặt cọc, dịch vụ. Nếu khách hàng ghi nội dung giao dịch thì sẽ phải trả thêm 10% tổng giá trị món hàng để nộp thuế. Cơ quan thuế cảnh báo đây là thông tin không chính xác, bởi theo quy định, hàng hóa khi bán đến người tiêu dùng đã bao gồm thuế. Do đó, việc người bán yêu cầu người mua khi chuyển khoản trả tiền hàng mà không ghi rõ nội dung như vậy là cách để họ trốn thuế. Nếu làm theo, người mua sẽ vô tình tiếp tay cho người bán.
Những năm qua, cơ quan chức năng đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử. Kết quả, số thu năm 2024 khoảng 116.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 83.000 - 97.000 tỷ đồng ghi nhận trong 2 năm trước đó.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là số thu được từ các tổ chức, cá nhân có kê khai nhưng cũng chưa tương xứng với doanh thu của các tổ chức, cá nhân này. Ngoài ra, vẫn còn hàng ngàn trường hợp kinh doanh trên mạng xã hội, các nền tảng không có chức năng đặt hàng trực tuyến chưa kê khai và nộp thuế. Theo Tổng cục Thuế, qua rà soát 76.428 người bán hàng, cơ quan thuế đã xử lý 30.029 cá nhân vi phạm, truy thu và xử phạt 1.223 tỷ đồng.
Ngành thuế đang tiếp tục siết chặt thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là những người nổi tiếng có hoạt động kinh doanh, bán hàng online; siết thu thuế từ các nhà cung cấp nước ngoài; trích xuất dữ liệu về người nộp thuế từ các sàn thương mại điện tử lớn để rà soát, đối chiếu và xử lý vi phạm... Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần phối hợp cơ quan thuế chống thất thu thuế thông qua việc yêu cầu người bán xuất hóa đơn. Đây cũng là cách để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp có tranh chấp xảy ra liên quan đến chất lượng sản phẩm.
NGUYỄN ĐỨC