Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực. Nghị định này thay thế cho nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại nghị định 123).
Dự luận trên báo chí, các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội đang thảo luận khá sôi nổi xung quanh nội dung nghị định này. Hầu hết người dân đều đồng tình, nhưng nhiều người còn bày tỏ băn khoăn trong việc áp dụng xử phạt cũng như tình huống vô tình, không cố ý.
Theo nghị định 168, một số lỗi cố ý và là nguyên nhân của rất nhiều vụ tai nạn có mức xử phạt tăng nặng gấp nhiều lần quy định cũ như: vượt đèn đỏ, đèn vàng; điều khiển xe lạng lách, đánh võng; đi ngược chiều… Cụ thể, với hành vi điều khiển ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, mức xử phạt mới là từ 18 - 20 triệu đồng (trước đây là từ 4 - 6 triệu đồng) và từ 4 - 6 triệu đồng đối với xe máy (trước đây là từ 800.000 - 1 triệu đồng). Hành vi đi ngược chiều của đường một chiều hoặc trên đường có biển cấm sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng đối với ô tô (trước đây là từ 4 - 6 triệu đồng) và từ 4 - 6 triệu đồng đối với xe máy (trước đây là từ 1 - 2 triệu đồng). Đặc biệt, hành vi mở cửa xe, để cửa xe ô tô mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 20 - 22 triệu đồng (gấp 50 lần mức cũ là từ 400.000 - 600.000 đồng).
Quá trình tham gia giao thông hàng ngày, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều hành vi vi phạm giao thông mang như: Vượt đèn đỏ, đèn vàng; vừa lái xe vừa dùng điện thoại; chuyển hướng không nhường quyền ưu tiên; lạng lách, đánh võng; đi ngược chiều; đi vào đường cấm; chạy quá tốc độ... Đây đều là những hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có nguyên nhân từ các hành vi này. Thế nhưng, nhiều người vẫn vi phạm vì nghĩ rằng mức xử phạt thấp và cũng ít bị xử lý do hành vi chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, không bị phát hiện.
Giờ đây, với mức xử phạt mới, người điều khiển phương tiện sẽ phải cân nhắc trong mọi hành vi khi tham gia giao thông. Giữa việc vượt đèn đỏ để nhanh vài chục giây nhưng có thể bị phạt cả chục triệu đồng hay giảm ga, rà phanh, dừng lại chờ đèn tín hiệu được đi? Hẳn là ai cũng sẽ chọn dừng lại. Ai lỡ bị xử phạt vì các hành vi này chắc cũng sẽ “nhớ tới già”. Nên biết rằng, với hệ thống camera giao thông ngày càng phủ kín, cùng với hệ thống camera an ninh, camera hành trình, camera điện thoại của người dân, bất cứ hành vi vi phạm nào cũng có thể bị ghi lại, bị gửi tới cơ quan công an hay đưa lên mạng xã hội và sẽ bị phạt nguội.
Việc tăng nặng chế tài xử phạt và xử phạt nghiêm vi phạm giao thông nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là kéo giảm tai nạn giao thông xuống mức thấp nhất. Giảm tai nạn giao thông, đồng nghĩa với chi phí, tổn hao của gia đình, xã hội cho việc giải quyết hậu quả từ các vụ tai nạn này sẽ giảm theo. Việc tốt như thế, đương nhiên chúng ta phải đồng tình.
Nghị định 168 được ban hành và có hiệu lực ngay đầu năm mới 2025 và giáp Tết cổ truyền của dân tộc là rất kịp thời, cần thiết. Thời gian này, hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách, nhu cầu đi lại, liên hoan tổng kết… đều tăng. Mức xử phạt các hành vi vi phạm tăng hàng chục lần góp phần răn đe để mỗi người khi tham gia giao thông phải tự nhắc mình và nhắc nhau quy tắc “nhẹ chân ga, rà chân phanh”, “đã uống rượu bia, không lái xe”.
NGUYỄN ĐỨC