Cận kề Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, những vụ việc mất an toàn thực phẩm vẫn xảy ra trên cả nước, trong đó có những vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng dù đang là giai đoạn cao điểm trong công tác quản lý, thanh, kiểm tra về lĩnh vực này ở hầu khắp các địa phương.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, cuối tháng 12/2024 vừa qua, 1 vụ ngộ độc rượu có chứa Methanol đã khiến 4 người phải nhập viện cấp cứu và 1 người trong số này đã tử vong. 3 người còn lại tuy đã qua cơn nguy kịch, nhưng ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe do những tác hại của Methanol (cồn công nghiệp). Đáng báo động, đây không phải là 4 nạn nhân đầu tiên và vụ việc duy nhất liên quan đến Methanol phát hiện trên địa bàn tỉnh mà những năm trước đó, các vụ việc tương tự cũng đã xảy ra.
Cũng trong tháng cuối cùng của năm 2024, cả nước đã rúng động với vụ việc 6 cơ sở sản xuất giá đỗ ở Đắk Lắk bị phát hiện sử dụng hóa chất cấm để kiếm lời. Ở vụ việc này, tuy chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do ăn giá đỗ “ngậm” hóa chất cấm, nhưng chắc chắn những tổn hại cho sức khỏe của người tiêu dùng là khó tránh khỏi.
Nhiều người tiêu dùng đã trở thành nạn nhân của các cơ sở sản xuất, kinh doanh “bẩn”, chỉ vì lợi nhuận đã bất chấp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Bởi, không ít vụ việc, qua điều tra cho thấy, cơ sở sản xuất, kinh doanh cố tình sử dụng chất cấm, phụ gia độc hại trong quá trình nuôi trồng, chế biến thực phẩm.
Tại cuộc họp trực tuyến vừa diễn ra cuối tuần qua về an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã nhấn mạnh về trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất là phải bảo đảm an toàn thực phẩm. Cơ sở làm sai, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm thì bị xử phạt, xử lý. Vụ việc giá đỗ kể trên cũng đã được Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định khởi tố và bắt tạm gian 4 đối tượng.
Thực tế cho thấy, lĩnh vực an toàn thực phẩm là “không của riêng ai”, ngoài cơ quan quản lý Nhà nước, từ người sản xuất đến kinh doanh và tiêu cùng đều cần có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia vào “chuỗi thực phẩm”. Tuy nhiên, cần quy về một đầu mối trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, tránh tình trạng chồng chéo, hoặc không rõ trách nhiệm thuộc về ai dễ dẫn đến bị lãng quên, “bị đá qua, đá lại” khi có sự vụ.
Tết Nguyên đán đang cận kề, an toàn thực phẩm càng cần được đặt lên hàng đầu để năm mới trọn vẹn hơn. Năm 2025 cũng là năm có nhiều sự kiện quan trọng, lễ hội lớn, cũng đồng nghĩa với việc cần siết chặt an toàn thực phẩm. Hơn thế, an toàn thực phẩm về lâu dài còn ảnh hưởng đến cả chất lượng giống nòi và những hệ lụy khác, do đó không thể lơ là trong công tác quản lý, không thể chờ đợi ý thức của người sản xuất, kinh doanh.
Tại hội nghị triển khai công tác an toàn thực phẩm năm 2025, Bộ Y tế cho biết đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế quản lý an toàn thực phẩm, rà soát xây dựng dự án Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi); nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2018/NĐ-CP Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Bộ Y tế tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, đặc biệt là nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất một đầu mối từ trung ương đến địa phương.
TIỂU CƯỜNG