Rất nhiều người không biết mình làm sai. Có người cố tình xem nhẹ cái sai. Suốt một thời gian dài lại không được hướng dẫn, giám sát, chỉnh sửa cho đúng. Và rồi, hậu quả xảy ra…
Chuyện thứ nhất
Những ngày trước, tôi thật sự chú ý đến status ngắn ngủi của cô chủ tiệm bánh mì: “Trời ơi, con đã làm gì sai?”.
Cô chủ đăng status trong thời điểm nóng bỏng bởi sự cố ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm người nhập viện, liên quan đến các sản phẩm được bày bán tại tiệm bánh lâu đời của gia đình cô.
Đó là cảm thán có thể thông cảm được, giữa bối rối, hoảng loạn và thấy có lỗi liên quan sản phẩm mình tiêu thụ. May là trong cái rủi cũng có cái ít rủi. Người nhập viện nhiều, nhưng số người bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe không nhiều.
Sau sự cố, nhiều đại biểu HĐND tỉnh lên tiếng, đề nghị đổi mới triệt để cách tiếp cận, quản lý về an toàn thực phẩm. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Đặc biệt là đối với nhóm thức ăn đường phố.
Vấn đề nêu lên được dư luận rất đồng tình. Giám sát, hướng dẫn, chấn chỉnh, xử lý, xử phạt luôn phải đi trước. Và chỉ có đi trước, mới phòng ngừa hậu quả nghiêm trọng.
Cuộc sống không thiếu những vi phạm đã tồn tại ngang nhiên năm này qua năm khác, thậm chí cả thập kỷ, cũng không ai để ý. Lâu dần nó trở thành bình thường. Bình thường đến mức người ta còn không coi đó là lỗi nữa. Kéo theo sự lười biếng về thay đổi, né càng xa sự thay đổi càng tốt. Vì thay đổi là xáo trộn, là tốn kém.
Rồi đùng một cái, sự cố phát sinh, như tai họa như “trên trời giáng xuống”. Lúc đó, muốn sửa đổi cũng không kịp nữa. Mà có kêu trời, cũng không thấu.
Chuyện thứ hai
Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 7 bị can trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội). Vụ cháy xảy ra vào 12/9/2023. Hậu quả, làm 56 người tử vong, 44 người bị thương.
Ông chủ của tòa chung cư này bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, theo quy định tại các điểm a, c, khoản 3, Điều 313 Bộ luật Hình sự. 5 cựu cán bộ phường và thanh tra xây dựng quận cùng bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Chung cư mini nơi xảy ra cháy có rất nhiều lỗi: tự ý thay đổi thiết kế công trình, xây dựng vượt tầng so với giấy phép, không lập hồ sơ thiết kế, thẩm duyệt, nghiệm thu, quản lý về phòng cháy chữa cháy... Đáng chú ý, những vi phạm này đã tồn tại từ nhiều năm trước vụ hỏa hoạn; đã được cảnh báo, nhưng không được khắc phục, sửa chữa.
Và hỏa hoạn đã xảy ra, như cảnh báo! Những người bị truy tố, chắc hẳn không ai trong số đó từng tưởng tượng được rằng: thảm họa lại “vận” vào bản thân họ như bây giờ.
Rồi nhiều chuyện nữa…
Tôi sống trong một tòa chung cư. Thang máy của chung cư có một hộc để đựng các giấy tờ, thông báo. Trong đó, thường xuyên xuất hiện một bản nhắc nhở về việc cấm cư dân chung cư ném các vật thể, tàn thuốc lá xuống đất; để các vật thể dễ rơi vỡ ở ban công, cửa sổ… Kèm theo đó là ảnh chụp ghi lại vi phạm của cư dân chung chư. Việc này, cho đến bây giờ cũng chưa dứt.
Người ta cứ mãi phớt lờ cảnh báo, cứ xuề xòa vi phạm, vì chưa ý thức được việc mình làm, đến một ngày, có thể thành tai họa vận vào thân.
Cũng ở cái chung cư này, từng có em bé ném củ tỏi qua cửa sổ, vô tình làm một người phía dưới phải vào viện.
Đó, tai họa đôi lúc nó cứ “rơi xuống” như vậy. Và trách nhiệm của mỗi người là nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, để đừng gây họa cho mình và cho người. Đừng để sai mà không biết mình sai. Đừng xuề xòa trước cái sai!
HOÀNG NAM