Rác từ thương mại điện tử

Thứ Tư, 11/12/2024, 17:33 [GMT+7]
In bài này
.

Cái họng rác ở chung cư mấy hôm nay lại bị tắc. Thế là chung cư huy động thợ bảo trì, công nhân dọn vệ sinh tìm giải pháp khắc phục. Sau khi tìm hiểu, thì ra nguyên nhân là do một số cư dân bỏ nguyên thùng xốp, bao bì khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, “tống” vô luôn họng rác.

Một cuộc thảo luận sôi nổi trên diễn đàn chung cư, tất cả mọi người đều thừa nhận, rác thải ngày càng nhiều hơn và khó xử lý là do mua hàng online. Dẫn chứng cho câu chuyện này, một cư dân cho biết, một gói hàng dù rất nhỏ, đôi khi chỉ là lọ nước tẩy trang 180ml nhưng được đóng bởi túi nhựa, hộp carton, xốp hơi bọc bên ngoài, băng keo... Trong khi đó, những sản phẩm lớn, dễ vỡ hơn lại được bọc bởi 4-5 lớp các loại, cộng với thùng xốp to. Thậm chí, đôi khi bao bì đóng gói còn có trọng lượng lớn hơn cả sản phẩm được mua. Hay khi mua một suất bún, phở… qua app chuyển tới cũng cần phải có hộp xốp hoặc hộp nhựa đựng, túi nilon, muỗng nhựa, hộp gia vị. Tất cả đều là rác thải khó phân hủy.

Cùng với thói quen mua sắm online ngày càng thịnh hành, một gia đình trong chung cư mỗi ngày nhận vài đơn hàng thì rác thải từ đây gia tăng và dẫn đến tình trạng tắc họng rác như đã kể trên.

Thống kê của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) cũng cho thấy, năm 2023, bao bì kiện hàng trong thương mại điện tử gồm bìa carton, mút xốp, xốp nilon chống sốc... lên tới hơn 300 ngàn tấn trong 1,8 tỷ kiện hàng. Cụ thể là sử dụng 160 ngàn tấn bìa carton và 145 ngàn tấn nhựa các loại như mút xốp, xốp nilon chống sốc, túi nilon… Tới năm 2030 khi quy mô thương mại điện tử nước ta đạt gần 100 tỷ USD thì dự báo lượng rác thải nhựa từ lĩnh vực này sẽ lên tới 800 ngàn tấn.

WWF cũng khẳng định, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, bao gồm lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến và gọi đồ ăn công nghệ trong những năm qua đã tác động tiêu cực tới môi trường, bao gồm phát thải khí carbon và rác thải nhựa. Thương mại điện tử sử dụng nhiều bao bì, vật liệu nhựa, tuy nhiên tỷ lệ thu gom, tái chế, tái sử dụng còn rất thấp.

Trước thực trạng đáng báo động nói trên, hiện nay Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang tham mưu xây dựng một bộ tiêu chí linh hoạt trong phát triển thương mại điện tử, trình Chính phủ thời gian tới. Việc này nhằm hướng thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển bền vững dựa trên cân bằng ba yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường.

Trong khi chờ Nhà nước ban hành và phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường trong thương mại điện tử thì để giảm rác thải trong lĩnh vực này, rất cần sự chung tay của các đơn vị kinh doanh, giao hàng, chuyển phát như tìm nguồn cung ứng sản phẩm bền vững, đóng gói sử dụng vật liệu ít và bền hơn, có thể tái sử dụng hoặc dễ tiêu hủy. Ở góc độ người tiêu dùng cũng cần xây dựng thói quen, hành vi mua sắm thông minh, có trách nhiệm với môi trường.

NGÔ GIA

;
.