Khi biết con gái của tôi đang học lớp 12, câu hỏi mà mỗi lần gặp người quen là cháu đã chọn đại học nào, ngành gì để đăng ký thi rồi? Nhưng đáp án cho câu hỏi này vẫn chưa có lời giải.
Ngay cả thời điểm này, khi cháu đang thi kết thúc học kỳ 1 thì việc chọn ngành học, trường học đang là câu hỏi lớn. Bản thân cháu dù đã có ý định chọn thi vào đại học Luật ngay từ khi chọn khối học vào lớp 10, nhưng trước nhiều ý kiến cho rằng sẽ khó khăn con đường xin việc ở phía trước, đến nay lại gieo vào đầu không ít sự băn khoăn, lo lắng. Thậm chí, giáo viên chủ nhiệm của cháu khi nghe tôi kể về sự khó khăn trong quá trình chọn ngành, chọn nghề thì thầy đã đưa ra một gợi ý, sao cháu không thi sư phạm?
Theo lý giải của thầy, nhiều học sinh hiện nay vẫn chọn ngành, nghề theo trào lưu, sở thích cá nhân. Một phần do các em thiếu thông tin về thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của xã hội. Trong khi đó, nhiều phụ huynh lại định hướng cho con em chọn ngành, nghề theo ước mơ, mong muốn của chính bản thân họ. Hoặc cũng có nhiều trường hợp, nhiều phụ huynh muốn con nối nghiệp theo nghề truyền thống của gia đình. Điều này đã dẫn đến hệ lụy, không ít trường hợp sinh viên phải bỏ ngang giữa chừng, hoặc chuyển ngành vì nhận thấy bản thân không phù hợp.
Trên thực tế, đây cũng là tình trạng chung của nhiều học sinh đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa chọn trường, chọn ngành sau khi tốt nghiệp THPT. Chọn theo sở thích, ước mơ, đam mê hay thực tế nhu cầu của xã hội đang đặt ra cho các em một bài toán khá hóc búa.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của định hướng nghề nghiệp ngay từ giáo dục phổ thông, hoạt động hướng nghiệp đang được các nhà trường đẩy mạnh. Hoạt động này được xem là chìa khóa giúp học sinh có những hiểu biết về nghề nghiệp trước cánh cửa tương lai, quyết định đến cuộc sống sau này của mỗi người. Chính vì vậy, ngoài mời các trường đại học, nhiều buổi tư vấn còn có sự tham gia của các chuyên gia giáo dục, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, DN… để giúp các em hiểu rõ và lựa chọn phù hợp với khả năng, xu thế việc làm trong tương lai.
Thống kê từ Bộ GD-ĐT cho thấy, trên cả nước có khoảng 250 trường đại học, hơn 300 trường cao đẳng, ngoài ra còn có các trường trung cấp. Mỗi năm, có khoảng 600 ngàn thí sinh xét tuyển trúng tuyển vào đại học, nhưng số lượng nhập học chính thức chỉ đạt khoảng 80% và có 20% thí sinh đã trúng tuyển nhưng không nhập học. Bên cạnh đó, sau năm thứ nhất thì khoảng 5 - 7% sinh viên phải đăng ký xét tuyển lại. Điều này cũng phản ánh rõ thực tế, số em đã chọn sai hay chọn chưa phù hợp khi đăng ký nguyện vọng là rất nhiều.
Rõ ràng, trước những biến động không ngừng của cuộc sống, với tốc độ phát triển của xã hội và công nghệ, hàng triệu nghề mới sẽ ra đời và cũng sẽ có rất nhiều nghề trong tương lai sẽ không còn tồn tại. Và việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh chắc chắn không thể thiếu vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội.
LAM GIANG