Để Việt Nam xứng danh điểm đến hàng đầu

Thứ Năm, 19/12/2024, 17:35 [GMT+7]
In bài này
.

Theo thống kê, năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt, tăng 38,9%; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6%; tổng thu từ du lịch ước đạt khoảng 840 ngàn tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm 2023.

Như vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2024 đã bằng năm 2019 - năm trước khi bùng phát dịch COVID-19. Điều đó cho thấy, ngành du lịch đã phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đặt mục tiêu trong năm 2025 đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách quốc tế; 120-130 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch ước đạt 980.000 - 1,05 triệu tỷ đồng.

Những năm gần đây, du lịch vẫn luôn là ngành có mức tăng trưởng ổn định và thường đạt mức 2 con số. Sau đại dịch COVID-19, trong khi các ngành kinh tế khác có tốc độ phục hồi chậm thì ngành du lịch đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Đặc biệt, ảnh hưởng của tình hình chính trị, xung đột ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ khiến nhiều ngành kinh tế thế giới lao đao nhưng du lịch vẫn ổn định. Tình hình chung của ngành du lịch thế giới đã tác động tích cực tới ngành du lịch Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế, cơ sở để đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2025. Việt Nam có sự ổn định chính trị, môi trường đầu tư kinh doanh du lịch thuận lợi so với khu vực và thế giới; có nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa đa dạng, phong phú, được quốc tế công nhận, là tiền đề thúc đẩy phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, năm 2024, nước ta được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) khu vực châu Á vinh danh tại 48 hạng mục, giải thưởng. Cấp quốc gia là các giải: "Điểm đến hàng đầu châu Á 2024", "Điểm đến di sản hàng đầu châu Á 2024" và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2024". Đáng chú ý, đây là lần thứ 6 Việt Nam được tôn vinh là Điểm đến hàng đầu châu Á (vào các năm 2018, 2019, 2021, 2022, 2023, 2024). Nhiều cơ quan quản lý du lịch cấp tỉnh và điểm đến cũng được vinh danh giải thưởng này.

WTA ra đời năm 1993, được tổ chức thường niên, là giải thưởng uy tín được công nhận trên toàn thế giới và được ví như "Oscar của ngành du lịch". Việc được WTA vinh danh là minh chứng cho thấy sức hút mạnh mẽ của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, nhận được sự yêu mến của đông đảo bạn bè, đối tác quốc tế. Những giải thưởng du lịch quốc tế này sẽ góp phần nâng cao uy tín của ngành du lịch, giúp cho các quốc gia khác tin tưởng và ưu tiên lựa chọn gửi khách sang đất nước hình chữ S.

Tuy vậy, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần nhanh chóng khắc phục để đạt mục tiêu năm 2025 và những năm tới, như: Chính sách thị thực chưa hợp lý, thời gian lưu trú ngắn. Chiến lược thị trường chưa linh hoạt, sản phẩm du lịch không đa dạng. Các dịch vụ chưa kết nối để tạo thành hệ sinh thái kinh tế du lịch. Hệ thống hạ tầng còn thiếu, không đồng bộ.

Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao quốc tế còn hạn chế, thiếu nhân lực chất lượng cao. Vẫn có lúc, có nơi còn xảy ra tình trạng lôi kéo, chèn ép, lừa dối khách du lịch. Những hạn chế nêu trên khiến cho ngành du lịch Việt Nam thiếu sức hấp dẫn và không giữ chân du khách lưu lại dài ngày, mức chi tiêu và tỷ lệ khách quay lại những lần sau của du khách còn thấp.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Để khắc phục những hạn chế nêu trên cần có sự vào cuộc của tất các các ngành và có sự liên kết, thống nhất của các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chất lượng phục vụ du khách để tạo dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện, mến khách.

NGUYỄN ĐỨC

;
.