Một tin vui đến với người lao động trong những ngày cuối cùng của năm 2024 là trong tuần qua, tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ đã khởi công dự án Gate Towers trên diện tích gần 5ha. Đây là khu nhà ở dành cho công nhân có tổng vốn đầu tư 1.820 tỷ đồng, quy mô 5 block nhà cao 22 tầng, cung cấp 2.670 căn hộ, đáp ứng nhu cầu khoảng 10 ngàn công nhân sinh sống và làm việc tại các KCN.
Dự án trên được triển khai đang hiện thực hóa mục tiêu về phát triển bền vững như ESGs (môi trường, xã hội, quản trị) và SDGs (các mục tiêu phát triển bền vững) của KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3. Đặc biệt là hướng tới xây dựng một KCN sinh thái, thân thiện với môi trường, nơi tăng trưởng kinh tế hài hòa với việc bảo vệ tài nguyên và nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng.
Nhà ở dành cho công nhân lao động là một trong những vấn đề cấp thiết mà lãnh đạo tỉnh đã và đang quyết tâm thực hiện. Từ khi thành lập tỉnh đến nay, song song với kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp, hỗ trợ DN triển khai xây nhà ở cho công nhân lao động trong các KCN. Đã có nhiều khu nhà ở dành cho công nhân lao động được xây dựng trong và ngoài KCN, tạo điều kiện tốt nhất về phúc lợi xã hội để người lao động yên tâm làm việc như khu nhà ở của Đạm Phú Mỹ, Công ty TNHH Sanfang Việt Nam… Thống kê cho thấy, đến nay các DN đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 13 dự án nhà ở công nhân với quy mô 40ha, bố trí 1.722 căn hộ, đảm bảo chỗ ở cho hơn 5 ngàn lao động.
Tuy nhiên trên thực tế số căn hộ này chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu chỗ ở của công nhân lao động. Bởi lẽ, là địa phương tập trung nhiều KCN, Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút số lượng lớn người lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến làm việc, lưu trú. Đến nay, tỉnh có 15 KCN với hơn 64 ngàn công nhân lao động; ngoài ra 6 CCN đang hoạt động với khoảng 7 ngàn công nhân lao động. Dự báo con số này sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, khi đến năm đến năm 2025 cần thêm khoảng 10.600 người và đến năm 2030 cần thêm khoảng 13.900 người.
Trong khi đó, vẫn còn nhiều người lao động đang phải thuê ở tại các khu trọ chật hẹp, thiếu nhiều tiện nghi cơ bản… Số liệu khảo sát năm 2024 của Bộ LĐTBXH cho thấy, 53,9% người lao động di cư đang ở trong các phòng trọ loại nhà cấp 4, nhà dân kết hợp cho thuê, nhà lợp tôn hoặc Fibro xi măng. Đối với các nhà trọ dạng cấp 4, mặc dù đa phần đã được trang bị nhà vệ sinh khép kín nhưng diện tích sinh hoạt lại rất hạn chế. Với diện tích sử dụng nhỏ chưa đến 30m2, thậm chí chỉ dưới 10m2, tất cả hoạt động sinh hoạt bao gồm nấu nướng, chăm sóc con cái, nghỉ ngơi, đều phải diễn ra trong một không gian nhỏ hẹp.
Ông bà ta có câu “an cư mới lạc nghiệp”. Có nhà ở là mơ ước của hàng chục ngàn công nhân lao động nghèo. Đây cũng là chính sách vượt trội trong thực hiện an sinh xã hội để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với DN.
LAM GIANG