Tôi vừa có chuyến tham quan làng nghề vùng ven TP.Bà Rịa cùng nhóm khách nước ngoài, trải nghiệm nét văn hóa, sinh hoạt truyền thống của người dân bản địa như lò rượu, làm bánh tráng, nhà cổ, chợ.
Khung cảnh làng quê thanh bình, đồng lúa chín vàng óng, đường làng trải nhựa phẳng lì, hoa khoe sắc thắm suốt tuyến đường, cảm giác nông thôn văn minh, sạch sẽ tạo ấn tượng đẹp đầu tiên với chúng tôi.
Nhưng điểm thật sự làm chúng tôi ấn tượng chính là cách thổi hồn cho điểm đến của lò rượu Hai Thọ (ấp Đông, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa). Mỗi ngày lò rượu này sản xuất từ vài trăm đến cả ngàn lít rượu theo cách nấu truyền thống bằng củi, nhưng gian bếp gọn gàng, từ bếp nấu cơm đến khu ủ cơm cho lên men, khu chưng cất rượu đều bố trí ngăn nắp đâu ra đó.
Sau khi tham quan khu nấu rượu, tìm hiểu cách nấu rượu thủ công truyền thống, chúng tôi được ông La Văn Thọ, chủ lò rượu Hai Thọ đón tiếp, mời nếm rượu. Vốn tiếng Anh chỉ đủ để chào hỏi, nhờ sự hỗ trợ của hướng dẫn viên, ông đến từng bàn mời rượu, tung hứng nâng ly dzô dzô… cùng khách. Giọng sang sảng, tiếng cười giòn giã, tấm lòng hiếu khách của ông đã xóa nhòa cách biệt ngôn ngữ. Đoàn khách nước ngoài nét mặt ai cũng ánh lên nét rạng rỡ vui tươi.
Trong nghề du lịch, cụm từ thổi hồn cho sản phẩm luôn được nhắc đi nhắc lại. Hiểu nôm na “thổi hồn” nghĩa là làm cho sản phẩm có hồn, sống động, tác động vào cảm xúc chân thật, thăng hoa cho người xem, người trải nghiệm. Đi du lịch là để tái tạo, làm mới bản thân cả về thể xác và tâm hồn. Cảm xúc vui vẻ, tích cực thu nạp được trên hành trình du lịch chắc chắc sẽ trở thành kỷ niệm đẹp, được nhớ mãi và muốn trở lại khi có dịp.
Với lò rượu Hai Thọ, thời gian đoàn dừng chân theo lịch trình là 40 phút dường như không đủ. Ai cũng muốn kéo dài thêm để có thêm những tràng cười rộn rã, nhấm thử ngụm rượu cay nồng, chụp thêm ảnh lưu niệm đẹp với ông chủ lò rượu, mua vài chai rượu mang theo… Giá trị quảng bá để tăng sức hấp dẫn thu hút và níu chân khách du lịch là ở đó.
Bà Rịa-Vũng Tàu rất dồi dào điểm đến và hệ thống sản phẩm du lịch. Theo công bố của Sở Du lịch vào cuối tháng 10 vừa qua, toàn tỉnh có 230 điểm đến và 54 tour tuyến du lịch. Các điểm du lịch trải rộng toàn tỉnh, trong đó TP.Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc nhiều nhất. Các điểm đến đa dạng bao gồm nghỉ dưỡng, di tích lịch sử, công trình tôn giáo, sản phẩm OCOP, du lịch trang trại, vườn tược, thắng cảnh nổi tiếng, nghề truyền thống… sẽ là chất liệu để khai thác, làm sôi động du lịch địa phương.
Tuy nhiên, cái cần nhất là phải thổi được hồn vào sản phẩm. Muốn làm được điều này phải có sự phối kết hợp từ nhiều phía, nhà nước định hướng, hỗ trợ quy trình thủ tục phù hợp quy định, chủ điểm đến chủ động trong tâm thế của người tự hào quảng bá nét đẹp văn hóa bản địa thì mới phát huy giá trị của điểm đến, của sản phẩm trong chuỗi dịch vụ phục vụ du lịch, mới kéo dài và tăng thời gian lưu lại của du khách tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
TRẦN HIỀN