Ngày Nhà giáo Việt Nam đã qua đi, nhưng dư âm vui buồn quanh chuyện nghề còn râm ran trên báo chí, mạng xã hội.
Nhiều video clip, nhiều câu chuyện thú vị về tình cảm thầy trò được chia sẻ khiến người xem không khỏi xúc động. Đó là hình ảnh học sinh mang theo những thứ “cây nhà lá vườn” đến tặng thầy cô như: mớ cua đồng, con gà nhà nuôi, những bông hoa dại hái trên đường đến trường, hay một bó hoa thật lạ với những “bông hoa” là chai nước mắm, nước tương và nhu yếu phẩm.
Những món quà thiết thực, chứa đựng tấm lòng của phụ huynh, học sinh đối với thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn đã được đón nhận bằng sự vui vẻ, xúc động của các thầy cô và được cộng đồng mạng tán thưởng, lan tỏa.
Nhưng, câu chuyện gợi cho tôi nhiều suy nghĩ là một giáo viên dạy môn Ngữ văn ở An Giang đã gửi trả lại số tiền 500 ngàn đồng do phụ huynh “nạp bằng thẻ điện thoại” với lời nhắn: Phụ huynh không nên vật chất hóa những món quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Giáo viên này cho biết: “Tôi cảm thấy thanh thản khi trả lại 500 ngàn đồng mừng ngày 20/11 cho phụ huynh. Trả lại rất ngại nhưng nếu nhận còn ngại hơn nhiều”.
Vị giáo viên này cho biết, nhiều lần nhận được tiền do phụ huynh gửi cảm ơn nhưng đều trả lại. “Không phải bản thân tôi chê tiền hay sĩ diện gì nhưng trong thâm tâm tôi luôn nhắc mình đây là những món quà nhạy cảm, không phù hợp trong môi trường giáo dục”.
Đa phần phụ huynh coi việc tặng hoa, quà nhân ngày lễ, tết, kỷ niệm nhằm thể hiện lòng biết ơn thầy cô trong việc giáo dục con em mình. Đằng sau món quà ấy, nhiều người còn ngầm ý gửi gắm, mong được giáo viên chú ý đến con em mình hơn nữa.
Thực tế cho thấy, chỉ một số ít trường hợp giáo viên bị tác động bởi những món quà của phụ huynh hay tiền bạc khi có hành vi gây sức ép với học sinh thông qua việc dạy thêm, học thêm. Đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Đại đa số giáo viên vẫn luôn quan tâm, dạy dỗ các em hết mình bằng tấm lòng và nhiệt huyết của người thầy, dù phụ huynh, học sinh không tặng quà, không học thêm.
Hành động trả lại tiền phụ huynh gửi tặng của vị giáo viên nêu trên là minh chứng cho phẩm chất, đạo đức cao quý của người thầy. Một số ý kiến cho rằng, người thầy có quyền nhận quà vì đó là tấm lòng tri ân và không ảnh hưởng gì tới hoạt động chuyên môn. Thế nhưng, lòng tự trọng của người thầy không cho phép làm điều đó. Việc nhận quà sẽ khiến giáo viên khó xử, áy náy trong giáo dục học sinh. Kết quả học tập của học sinh dù tốt hay xấu cũng có thể bị phụ huynh nghĩ khác đi so với bình thường. Điều mà nhiều người thầy mong muốn nhất là phụ huynh tôn trọng giáo viên, phối hợp với giáo viên, nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh được tốt nhất, chứ không phó mặc con em mình cho thầy cô.
Giáo viên là một nghề cao quý nhưng đầy vất vả. Thế nhưng, mức thu nhập và chế độ đãi ngộ giáo viên hiện nay chưa tương xứng. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận về dự án Luật Nhà giáo, sáng 20/11. Các đại biểu thống nhất cao với quy định lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; đề xuất nhiều chế độ ưu đãi khác với giáo viên về chỗ ở, tăng phụ cấp ưu đãi nghề…
Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho những hy sinh, vất vả của giáo viên trong sự nghiệp trồng người. Hy vọng rằng, dự thảo Luật Nhà giáo khi thông qua sẽ được tiếp thu, bổ sung đầy đủ các ý kiến đóng góp theo hướng hỗ trợ tối đa, để giáo viên sống được với nghề, từ đó toàn tâm toàn ý cống hiến và giữ vững phẩm chất cao quý của người thầy.
NGUYỄN ĐỨC