1. Thế giới có thể thay đổi, robot có thể làm thay con người. Nhưng cơm, bánh mì thì vẫn phải ăn. Giá trị của lương thực là vĩnh viễn. Một đất nước công nghiệp, công nghệ phát triển sẽ có nhiều cơ hội tạo ra của cải vật chất vượt trội, thúc đẩy tiến bộ khoa học nhân loại. Nhưng trong tiến trình đó, tạo hóa cũng mang đến sự cân bằng. Những nước nông nghiệp có thể làm giàu từ nhu cầu vĩnh viễn của nhân loại, dựa vào điều kiện tài nguyên thiên nhiên được ban tặng.
Hạt gạo Việt Nam, là câu chuyện như vậy. Từ chỗ một đất nước thiếu ăn, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới. Đó là hành trình dài của quá trình chuyển đổi cơ chế, chuyển đổi phương thức sản xuất và luôn có những trái tim, tâm huyết nghiên cứu lai tạo phát triển những giống lúa năng suất cao, chất lượng cao.
Như chuyện của kỹ sư Hồ Quang Cua với giống gạo ST25 trứ danh, được lai tạo chọn lọc từ một cây lúa lạ, thân tím, hạt dài, mọc trên đồng ruộng. Để tìm ra giống lúa ngon nhất thế giới, người kỹ sư ấy luôn trăn trở một điều rất thực: “Tại sao mình không tạo ra được những giống lúa chất lượng cao như Thái Lan”…
2. Có những thời điểm, cả nước đếm từng hạt gạo cho dân. Năm 1945, giữa lúc nạn đói hoành hành, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra 6 nhiệm vụ lớn, trong đó ưu tiên cứu đói. Người phát động: “Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”.
Từ đó, với gần 45 năm tiếp theo, trong vô vàn biến cố lịch sử, dân ta đuổi hết Pháp, hết Mỹ, thì vẫn có một điều không thay đổi, là cả đất nước ta đều rất đói về lương thực. Khoai sắn độn cơm, trệu trạo nhai bo bo trở thành những bữa ăn “thần thánh” ám ảnh với biết bao người Việt. Nhưng trải qua những giai đoạn như giai thoại, người Việt lại càng trân trọng, coi hạt gạo như hạt ngọc.
Và rồi ngày 23/8/1989, trở thành mốc không thể tin của biết bao nông dân trồng lúa. Lần đầu tiên trong lịch sử, từ cảng Sài Gòn, chuyến gạo 35% tấm đầu tiên của Việt Nam rời bến cảng, đến với Ấn Độ. Đó là đơn hàng 10.000 tấn gạo xuất khẩu, chỉ với giá 235 đô la/tấn. Nước ta không chỉ đủ ăn mà còn có gạo để xuất khẩu.
Trong năm đó, chúng ta bán tổng cộng hơn 1,4 triệu tấn gạo, thu về 322 triệu đô la. Một năm sau, nước ta bán được hơn 4,6 triệu tấn gạo, thu về hơn 1 tỷ đô la, trở thành cường quốc xuất khẩu gạo.
3. Năm nay, cho đến hết tháng 10, Việt Nam đã xuất khẩu đến 156 nước trên thế giới với sản lượng khoảng 7,8 triệu tấn gạo, thu về hơn 4,9 tỷ đô la, mức giá bình quân là 626 đô la/tấn. Gạo Việt Nam đã phủ rộng trên toàn cầu, không phải là loại gạo 35% tấm như lần đầu tiên nữa, mà là loại gạo 5% tấm thượng hạng thế giới - loại gạo đã vượt qua 600 tiêu chí khắt khe của Nhật Bản để tiến vào thị trường khó tính này hồi năm 2022.
Danh tiếng của gạo Việt đã thực sự tạo chỗ đứng uy tín trong thị trường thế giới. Nó cũng phù hợp với xu hướng chuyển đổi cách tiếp cận thị trường và định hướng sản xuất mới theo tinh thần phát triển lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Do vậy, kể cả khi đất nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ tháo bỏ lệnh cấm xuất khẩu, giá gạo nhiều nước trên thế giới lao dốc, thì gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn là loại gạo có giá cao nhất thế giới, vượt giá gạo của Thái Lan khoảng 30 đô la/tấn.
Từ trong lịch sử, hạt gạo với người Việt đã là hạt ngọc. Bây giờ hạt ngọc không chỉ cho dân ta những bữa ăn ngon, mà còn để bán, mang về nhiều tỷ đô la cho đất nước mỗi năm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Hạt gạo dẻo thơm của Việt Nam mang theo vị của phù sa của đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long. Giữ đất trồng lúa là giữ lấy những hạt gạo quý giá. Đó cũng là tinh thần mà nhiều đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận ở diễn đàn Kỳ họp thứ 8 đặc biệt quan tâm.
HOÀNG NAM