Định danh trên mạng

Thứ Ba, 12/11/2024, 17:04 [GMT+7]
In bài này
.

Sự bùng nổ của mạng xã hội đã kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực, trong đó đáng chú ý là tình trạng tin giả, tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận và thông tin nhạy cảm, xâm phạm đến quyền, lợi ích người khác, tác động xấu đến xã hội. Đây là một trong những nội dung được ĐBQH đặt ra, trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Người đứng đầu ngành TT-TT cho rằng, đấu tranh chống thông tin xấu độc, tin gây hại là cuộc chiến trên toàn cầu. Không chỉ ở Việt Nam, các nước khác đều đang khó khăn trong vấn đề này. Nhưng Việt Nam đang từng bước hoàn thiện khung pháp lý để điều chỉnh trong tương lai.

Hệ thống báo chí mất hàng trăm năm để từng bước hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Trong đó, có nhiều quy định nghiêm ngặt bảo đảm tối ưu quyền tự do ngôn luận và trách nhiệm trong mối liên kết giữa cơ quan báo chí với công chúng.

Nhưng mạng xã hội, chỉ mất hơn 1 thập kỷ để “xé bỏ” gần như tất cả những ràng buộc này. Chẳng hạn, một bức ảnh bị can thiệp, bị chỉnh sửa được coi không phải là ảnh báo chí. Một bức ảnh về trẻ em khi được đăng tải trên báo chí phải được xem xét toàn diện về mức độ tác động xã hội, trên cơ sở pháp luật về bảo vệ và chăm sóc trẻ em… Nhưng mạng xã hội thì không, hoặc cố tình bỏ qua những ràng buộc này.

Nhiều kênh thông tin tùy tiện cắt dán, gán ghép, cố tình gây hiểu nhầm, tạo nên những hiệu ứng thông tin phiến diện, định hướng dư luận sai lệch; tùy tiện đăng ảnh trẻ em, đăng ảnh cá nhân của người khác mà coi thường trách nhiệm xã hội, trách nhiệm pháp lý.

Đã có một số cá nhân bị cơ quan chức năng xử lý, xử phạt, nhưng chủ yếu chỉ là những người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, chưa nhận thức đầy đủ về việc phát tán tin bịa đặt trên mạng xã hội. Những “trùm cuối” với lượng truy cập lên đến hàng trăm triệu lượt xem, thậm chí hàng tỷ lượt xem mỗi tháng, có nhiều sai sót nhưng rất ít bị xử phạt.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/12/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng. Đây có thể coi là một bản quy định bao quát với 6 chương, 84 điều, căn cứ trên nhiều quy định hiện hành (Luật Báo chí, Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…) và thực tiễn cần quản lý mạng xã hội thời gian qua.

Bộ TT-TT và Bộ Công an là 2 đơn vị nắm giữ trọng trách quan trọng trong việc ngăn chặn, giám sát và gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng. Cùng với đó là trách nhiệm có liên quan của các DN cung cấp viễn thông trong phối hợp xử lý.

Để bảo đảm không gian mạng trở nên lành mạnh hơn trước việc phải xử lý hậu quả, một trong những thay đổi lớn là quản lý cung cấp thông tin xuyên biên giới với những dịch vụ có lượng truy cập lớn trên 100 ngàn/tháng. Đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ phải xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại tại Việt Nam. Trong trường hợp không thể dùng số điện thoại, mạng xã hội sẽ phải yêu cầu xác thực bằng số định danh cá nhân (trước đó chỉ quy định người dùng mạng xã hội có thể xác thực bằng địa chỉ email hoặc số điện thoại). Quy định này hướng đến việc bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Người dùng mạng xã hội trong nước đang kỳ vọng Nghị định 147 sẽ được thực hiện hiệu quả trong thực tiễn, xóa bỏ tình trạng bát nháo trên mạng xã hội, từng bước loại bỏ những kẻ ẩn nấp trong kẽ hở pháp lý để làm điều trái khoáy, phi đạo đức, vi phạm pháp luật.

MINH AN

 
;
.