Để rác hữu cơ hóa vàng xanh

Thứ Sáu, 08/11/2024, 18:20 [GMT+7]
In bài này
.

Gia đình tôi có một khu vườn nhỏ ở thành phố biển Vũng Tàu. Ba tôi thường phân loại rác thải hữu cơ như thức ăn thừa, lá cây, vỏ rau củ để ủ làm phân bón cho rau và cây ăn trái. Ông đào một cái hố đất, cho rác hữu cơ vào rồi lấp lớp đất mỏng và che chắn bằng tấm bạt ni lông. Sau nhiều ngày, rác hoai mục được ông trộn với đất và bón cho các luống rau.

Việc ủ phân hữu cơ tại nguồn ở các hộ gia đình như cách làm của ba tôi không chỉ giúp giảm lượng rác thải mà còn cung cấp phân bón hữu cơ cho cây trồng. Tuy nhiên, việc này chỉ là một phần rất nhỏ, trong khi phần lớn rác hữu cơ ở nước ta hiện nay vẫn đang được xử lý bằng chôn lấp hoặc đốt bỏ, chưa được tận dụng như một nguồn tài nguyên quý giá.

Một trong những nguyên nhân chính của thực trạng này là việc thiếu hệ thống phân loại rác tại nguồn. Người dân chưa có thói quen phân loại rác, dẫn đến rác thải hữu cơ bị lẫn với các loại rác vô cơ, làm cho việc xử lý và tái sử dụng trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ xử lý rác thải hữu cơ còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này, tại hội thảo do Bộ TN&MT, Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức mới đây, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định quan trọng. Thời gian qua, các tỉnh, thành phố ven biển, trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu, đã triển khai nhiều mô hình quản lý chất thải, bao gồm phân loại rác tái chế và tái chế rác hữu cơ thành phân compost (hữu cơ). Tuy nhiên, công tác quản lý rác thải tại các khu vực này vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như chưa có quy định đồng nhất về phân loại chất thải, ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao và thiếu cơ chế ưu đãi đầu tư. Việc phân loại chất thải tại nguồn vẫn chỉ được thực hiện ở một số địa phương và mang tính khuyến khích.

Trong bối cảnh đó, việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới trở nên cần thiết. Ở nhiều nước, việc tái chế rác thải hữu cơ là một phần quan trọng trong chiến lược quản lý rác thải. Nhiều quốc gia đã triển khai thành công các chương trình tái chế, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.

Đức là một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này. Với hệ thống phân loại rác tại nguồn chi tiết, người dân Đức được yêu cầu phân loại rác hữu cơ riêng biệt. Rác thải hữu cơ sau đó được xử lý thông qua các phương pháp như ủ phân compost và sản xuất biogas, nhờ áp dụng công nghệ hiện đại. Kết quả là Đức đạt tỷ lệ tái chế rác thải sinh hoạt lên đến 66%, trong đó rác thải hữu cơ được tận dụng hiệu quả trong nông nghiệp và năng lượng.

Tương tự, Hàn Quốc cũng là một ví dụ điển hình về thành công trong tái chế rác thải hữu cơ. Chính phủ Hàn Quốc áp dụng chính sách thu phí dựa trên lượng rác thải, khuyến khích người dân giảm thiểu và phân loại rác. Rác thải thực phẩm được thu gom riêng và chuyển đổi thành thức ăn chăn nuôi, phân bón hoặc biogas. 

Những kinh nghiệm từ các quốc gia trên cho thấy, việc phân loại rác tại nguồn là yếu tố then chốt giúp tăng hiệu quả tái chế. Chính sách hỗ trợ như thu phí dựa trên lượng rác thải hoặc ưu đãi thuế đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tham gia của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đầu tư vào công nghệ tiên tiến và nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của tái chế là những yếu tố không thể thiếu.

NGUYỄN THI

;
.