Vượt tuyến không cần giấy chuyển viện

Thứ Tư, 02/10/2024, 17:28 [GMT+7]
In bài này
.

Có lẽ đây sẽ là thông tin khiến nhiều bệnh nhân rất vui mừng, thở phào nhẹ nhõm nếu được Quốc hội thông qua. Bởi lẽ, tờ giấy chuyển viện luôn là nỗi ám ảnh đối với những người bệnh nặng, dù đây chỉ là một tủ tục hành chính trong quá trình điều trị.

Giấy chuyển viện được hiểu là khi bệnh nặng, vượt quá khả năng điều trị, thì cơ sở y tế sẽ chuyển bệnh nhân đến nơi khác phù hợp hơn, đồng thời nêu rõ tình trạng, lịch sử điều trị cũng như bệnh án. Nghe có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế, thủ tục này cũng gây không ít nhiêu khê, phiền hà cho bệnh nhân, đặc biệt là những người bệnh nặng cần cấp cứu kịp thời.

Thậm chí, có nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy thận mãn tính giai đoạn cuối… đang điều trị nội trú ở tuyến trên, có lịch hẹn tái khám, hoặc sau 1 năm làm hồ sơ mới vẫn buộc phải quay về tuyến dưới để xin giấy chuyển tuyến. Sự phiền hà này đã khiến một số người không đủ kiên nhẫn, thời gian chờ đợi mà bỏ tiền túi khám dịch vụ, mất đi quyền lợi hưởng BHYT.

Theo quy định hiện hành, tại Điều 4 Thông tư số 14/2014/TT-BYT và Thông tư 43/2013/TT-BYT, chuyển tuyến được thực hiện trong các trường hợp như chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề theo trình tự tuyến xã lên tuyến huyện, tuyến huyện lên tuyến tỉnh, tuyến tỉnh lên tuyến Trung ương. Hoặc nếu cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì được chuyển lên tuyến cao hơn. Nếu muốn chuyển viện lên tuyến trên và được hưởng BHYT với quyền lợi cao, người bệnh buộc phải có giấy chuyển tuyến.

Tuy nhiên, hiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đang được Bộ Y tế lấy ý kiến Nhân dân đã đề xuất cắt giảm thủ tục chuyển tuyến điều trị, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 năm nay. Đề xuất này của Bộ Y tế nhằm đảm bảo quyền lợi của người mắc bệnh mãn tính, dù ở tuyến trên hay tuyến dưới thì người bệnh đều được hưởng phạm vi quyền lợi và thuốc tốt nhất, phù hợp với năng lực của cơ sở y tế.

Theo đó, dự thảo bổ sung quy định với trường hợp người bệnh được xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật, hoặc sử dụng kỹ thuật cao, sẽ được đến trực tiếp cơ sở y tế tuyến trên, mà không cần theo trình tự khám chữa bệnh BHYT, nhưng vẫn được hưởng BHYT mức cao nhất. Theo danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo bao gồm 42 loại bệnh như ung thư, phẫu thuật động mạch vành, đột quỵ, mất thính lực, bệnh Parkinson, bại liệt...

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, cơ quan chức năng cho rằng, quy định này vừa thuận tiện cho người dân, vừa tránh phát sinh khám chữa bệnh trùng lặp 2 lần, tức là vừa khám ở tuyến dưới, đồng thời khám lại ở tuyến trên khi chuyển viện, đồng thời chỉ có những bệnh thực sự chỉ tuyến trên mới có thể điều trị được, đảm bảo không xảy ra tình trạng quá tải cho tuyến cuối. Và việc sửa đổi, bổ sung luật lần này nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh, đồng thời tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, bảo đảm thống nhất với luật cũng như các quy định khác.

Mặc dù đề xuất bỏ giấy chuyển tuyến đang được người dân ủng hộ, nhưng hiện cũng gây ra không ít lo ngại khi thủ tục được đơn giản hóa, đương nhiên nhiều người bệnh sẽ chọn lên thẳng tuyến trên để khám và điều trị, trong đó có những trường hợp bệnh nhẹ vẫn lên tuyến trên gây quá tải, ngược lại làm lãng phí nguồn lực tuyến dưới.

Chính vì vậy, ngoài đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quá trình điều trị, cần giải quyết vấn đề gốc rễ chính là nâng chất lượng khám chữa bệnh ngay từ hệ thống y tế cơ sở.

NGÔ GIA

 

;
.