Tỉnh táo trước những trào lưu nguy hiểm

Thứ Sáu, 18/10/2024, 18:09 [GMT+7]
In bài này
.

Gần đây, mạng xã hội xuất hiện một trào lưu mới mang tên "bắt pen", thu hút sự tham gia của nhiều em học sinh. Trào lưu này liên quan đến việc chặn động mạch cảnh ở hai bên cổ, gây thiếu máu não để tạo cảm giác lâng lâng, "phê" giả tạo. Hành động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn hại sức khỏe như ngất xỉu, co giật, thậm chí đột quỵ.

Đáng lo ngại, đây chỉ là một trong số những trào lưu gây hại đến sức khỏe đang lan truyền trong giới trẻ. Mặc dù biết đến những rủi ro, nhiều bạn trẻ vẫn bị cuốn vào các thử thách này vì sự hấp dẫn, kích thích từ tương tác và sự chú ý trên mạng xã hội. Các thử thách nguy hiểm khác như ăn cay cực độ, nhịn ăn gián đoạn, bẻ đồ long đao (thanh gập lò xo tập tay), “sống ảo” dưới lòng đường... cũng đang khiến giới trẻ đua nhau thực hiện.

Mặc dù các trào lưu này thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe thể chất và tinh thần của giới trẻ có thể kéo dài. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức và khuyến khích các bạn trẻ tham gia các hoạt động lành mạnh hơn là điều vô cùng quan trọng.

Nhà trường và gia đình cần tăng cường giám sát, nhắc nhở và giáo dục các em học sinh nhận thức rõ ràng về mức độ nguy hiểm của trào lưu này cũng như các trào lưu xấu độc khác để tránh hậu quả đáng tiếc. Khi phát hiện học sinh có dấu hiệu thay đổi bất thường về hành vi hoặc tâm lý như buồn bã, thu mình, hoặc có những hành động nguy hiểm, hãy nhẹ nhàng trò chuyện và tìm hiểu nguyên nhân. Đôi khi, sự thay đổi này có thể liên quan đến những trào lưu tiêu cực mà các em đang theo dõi hoặc tham gia.

Cha mẹ cần khuyến khích con chia sẻ về các hoạt động của mình trên mạng xã hội cũng như những trào lưu mà con quan tâm. Khi con cảm thấy được lắng nghe và không bị phán xét, con sẽ dễ dàng thảo luận với cha mẹ hơn về những nguy cơ tiềm ẩn của các trào lưu này. Hãy giải thích rõ ràng cho con về những rủi ro sức khỏe liên quan đến các trào lưu mà con có thể thấy trên mạng, đồng thời giúp con hiểu rằng không phải tất cả những gì phổ biến đều là an toàn hoặc lành mạnh.

Cha mẹ nên hướng dẫn con suy nghĩ phản biện trước khi tham gia vào một trào lưu nào đó. Khuyến khích con đặt câu hỏi về hậu quả của hành động của mình, tự đánh giá lợi ích và rủi ro của các trào lưu. Đồng thời, luôn duy trì kết nối với trường học và cộng đồng, làm việc chặt chẽ với giáo viên và những người lớn khác để nắm bắt thông tin về các trào lưu đang lan truyền trong trường học. Điều này sẽ giúp cha mẹ dễ dàng nhận biết những nguy cơ tiềm ẩn mà con có thể gặp phải.

Hơn nữa, cha mẹ nên là hình mẫu tốt trong việc lựa chọn các hoạt động lành mạnh và an toàn. Khi con nhìn thấy cha mẹ có lối sống tích cực, con sẽ có xu hướng noi theo và tránh xa những trào lưu không tốt. Ở khía cạnh khác, các nền tảng mạng xã hội cần nâng cao trách nhiệm, có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc kiểm duyệt và loại bỏ những nội dung độc hại. Đồng thời, tạo ra những chính sách và môi trường an toàn hơn để giảm thiểu những trào lưu độc hại.

NGUYỄN THI

 
;
.