Cuối tuần rồi ghé một cửa hàng chuyên bán thực phẩm Hàn Quốc để mua nguyên liệu về chế biến món ăn mà con gái tôi rất thích như miến trộn, cơm cuộn, bánh gạo… Dù là cửa hàng quen thuộc nhưng tôi vẫn vô cùng bối rối khi một số loại thực phẩm ở đây nhãn mác hoàn toàn bằng tiếng Hàn và không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Tất nhiên là tôi phải dùng phần mềm dịch để biết sản phẩm mình đang mua gồm những thành phần gì, sử dụng ra sao, nguồn gốc xuất xứ cũng như hạn sử dụng.
Điều đáng nói là cửa hàng này cũng từng bị cơ quan quản lý thị trường kiểm tra, xử phạt do vi phạm không ghi nhãn phụ trên sản phẩm nhập khẩu.
Trên thực tế, qua khảo sát cũng cho thấy có rất nhiều cửa hàng kinh doanh sản phẩm nhập khẩu từ nhiều nước, đặc biệt là mỹ phẩm, thực phẩm nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Điều này gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc xác định nguồn gốc xuất xứ, thành phần, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng…
Trong khi đó, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng được tiếp cận, sử dụng đúng sản phẩm có xuất xứ nước ngoài đúng chức năng, công dụng đã có những quy định pháp luật cụ thể về việc ghi nhãn phụ tiếng Việt cho các sản phẩm có xuất xứ nước ngoài.
Theo quy định, cá nhân, tổ chức buôn bán hàng hóa là hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài bắt buộc phải tiến hành ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam cho sản phẩm khi đưa ra thị trường. Khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP ghi rõ: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”. Kèm theo đó cũng quy định rõ mức xử phạt nếu vi phạm các quy định về việc ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt đối với sản phẩm nhập khẩu.
Rõ ràng, khi mua bất cứ một sản phẩm nào, dù là hàng trong nước hay nhập khẩu thì người tiêu dùng luôn có nhu cầu nhận biết nguồn gốc, xuất xứ và loại sản phẩm bán và lưu hành trên thị trường thông qua nhãn hiệu hàng hóa.
Cùng với đó, việc dán nhãn phụ lên hàng hóa nhập khẩu giúp cơ quan chức năng kiểm tra và có thể phân biệt sản phẩm có nhập lậu hay là không. Đồng thời, cũng giúp cho người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc xuất xứ, thành phần, hướng dẫn sử dụng, thông tin cảnh báo... của sản phẩm. Nhãn phụ cũng sẽ đi kèm với nhãn chính trên sản phẩm trước khi được đưa ra lưu thông trên thị trường nhằm bảo quyền lợi và an toàn sức khỏe của người tiêu dùng.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, hàng hóa nhập khẩu trên thị trường hiện nay rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều siêu thị mi ni, cửa hàng tạp hóa kinh doanh sản phẩm nhập khẩu không có tem, nhãn phụ tiếng Việt. Chính vì vậy, để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng cũng như sự minh bạch về sản phẩm, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và mạnh tay xử phạt hơn nữa, đặc biệt là hiện nay thị trường đang bước vào mùa kinh doanh cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới.
NGÔ GIA