Lời từ chối của nhà giáo

Chủ Nhật, 13/10/2024, 16:00 [GMT+7]
In bài này
.

Dự thảo luật Nhà giáo đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của người dân. Một trong những điểm thu hút sự quan tâm của dư luận là chính sách khuyến khích đối với đội ngũ nhà giáo. Trong đó, có quy định về việc miễn học phí cho con của giáo viên.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, khi Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến cho dự thảo Luật Nhà giáo, nhiều giáo viên trong phần phát biểu góp ý của mình đã từ chối đề xuất miễn học phí cho con giáo viên.

Không phải là tự trọng hay tự ái nghề nghiệp. Điều các giáo viên nhìn nhận và mong muốn là bảo đảm sự công bằng trong thực thi chính sách. Và cho rằng, nên dành những khoản ưu tiên đó cho đối tượng phù hợp.

Theo tính toán, nếu áp dụng việc miễn học phí cho con của giáo viên (con đẻ và con nuôi hợp pháp), thì tổng ngân sách thực hiện trong cả nước lên tới khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm. Con số này cao hơn tổng thu ngân sách nội địa của 5 tỉnh có số thu ngân sách nhà nước thấp nhất năm 2023.

So sánh để thấy đây là một khoản ngân sách không nhỏ, để thấy đất nước còn nhiều địa phương, nhiều đối tượng cần được hỗ trợ từ chính sách. Không chỉ có nhà giáo, thu nhập cán bộ, công chức, viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập đều đang tồn tại những bất cập. Đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ công chức các cơ quan nhà nước, cán bộ xã, phường… Việc cân đối ngân sách cho các mục tiêu phát triển, cho các lực lượng lao động trong xã hội cần được tính toán một cách hài hòa.  

Suy cho cùng, đối với một khoản chi ngân sách, quan trọng nhất vẫn là có mang lại hiệu quả trong thực tế hay không. Cụ thể, điều khoản miễn học phí cho con giáo viên liệu có đủ sức tạo nên sự khuyến khích phát triển giáo dục, hỗ trợ nhà giáo và thu hút nhân lực vào ngành sư phạm trong tương lai?

Theo chia sẻ thật lòng của các nhà giáo, hiện nay, thu nhập của đa số giáo viên là không thấp so với mặt bằng chung của viên chức, công chức. Chưa kể rất nhiều giáo viên ở các cấp học tổ chức dạy thêm với mức thu nhập khá. Có trường hợp lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Đương nhiên, không phải mọi nhà giáo đều có cơ hội thu nhập như nhau. Giáo viên mới vào nghề, giáo viên đang lăn lộn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên cấp học mầm non… là bộ phận giáo viên cần có chính sách khuyến khích trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, nhất là đối với giáo viên trẻ, giáo viên mới ra trường. Vì phải có người trẻ, phải giữ được người trẻ, mới có được những nhà giáo thâm niên.

Lời từ chối của một số giáo viên tại Bà Rịa - Vũng Tàu và một số tỉnh thành về chuyện được thụ hưởng chính sách khuyến khích, có thể không là đại diện chung cho tất cả giáo viên trong cả nước. Nhưng đó là những cơ sở để xem xét và hoàn thiện Luật Nhà giáo, bảo đảm tính công bằng không chỉ trong ngành giáo dục, mà còn với các ngành nghề khác trong xã hội.

Luật Nhà giáo nên khuyến khích tính tự chủ, tự quyết của địa phương trong việc thực thi các quyết sách đặc thù phát triển giáo dục, dựa trên điều kiện thực tế và tiềm lực ngân sách. Như ở Bà Rịa - Vũng Tàu, chuyện miễn học phí cho con của giáo viên có lẽ sẽ không có nhiều tác động, khi tỉnh đã thực hiện miễn học phí ở tất cả các cấp học.

HOÀNG NAM

 

;
.