Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo dân số và phát triển tỉnh, Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc nhóm 21 tỉnh có mức sinh thấp, với tổng tỷ suất sinh ở mức 1,61 con/phụ nữ (niên giám thống kê năm 2023). Trong khi đó, số con trung bình của một phụ nữ Việt Nam năm 2023 là 1,96, cũng là mức thấp nhất trong 63 năm và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới.
Tình trạng mức sinh thấp kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy như: quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn; thiếu hụt nguồn lao động trong tương lai; rút ngắn giai đoạn dân số vàng; già hóa dân số diễn ra nhanh; gia tăng khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư… gây bất lợi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam đã bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036, đến năm 2069 dân số sẽ rất già. Như vậy, chúng ta đang bước vào giai đoạn khó khăn về dân số giống như đa số các nước phát triển trên thế giới gặp phải.
Thực tế cho thấy, kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, người dân có xu hướng lập gia đình muộn, sinh ít con hơn. Tại khu vực đô thị, khu công nghiệp, các cặp vợ chồng ngại sinh vì chi phí nuôi con tốn kém, không có người trông giữ con, trong khi thu nhập thấp. Bên cạnh đó, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng nhu cầu cho trẻ, nhất là về cơ sở trường lớp, y tế, nơi vui chơi giải trí cho trẻ. Ở nông thôn, người dân cũng không còn quan niệm sinh nhiều con để có người làm ruộng như trước. Tâm lý chung của nhiều cặp vợ chồng là sinh ít con để có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc và chăm lo học hành cho con được tốt nhất. Những rào cản đó khiến cho việc điều chỉnh từ mức sinh thấp lên mức sinh thay thế (2,1 con/1 phụ nữ) gặp nhiều khó khăn.
Để đối phó với tình trạng giảm sinh, nhiều nước trên thế giới đã có chính sách khuyến khích sinh con. Chẳng hạn, Hàn Quốc có tỉ lệ sinh thấp kỷ lục khi chạm mốc 0,76 vào quý 1 năm nay. Con số này dự kiến tiếp tục xuống thấp chỉ còn 0,68 vào cuối năm. Hôm tháng 6 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phải tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về dân số”, đồng thời công bố các kế hoạch của chính phủ nhằm tăng cường hỗ trợ tài chính cho trẻ sơ sinh và các biện pháp khác để đảo ngược xu hướng giảm tỉ lệ sinh.
Sau nhiều năm khống chế ở mức sinh 1 con, từ năm 2016, Trung Quốc đã cho mỗi cặp vợ chồng được sinh 2 con, đến tháng 8/2021 thì cho phép mỗi cặp vợ chồng được sinh 3 con. Chính phủ nước này còn kêu gọi đảng viên sinh 3 con để làm gương nhằm đóng góp cho tăng trưởng dân số. Một số địa phương tại quốc gia này còn trợ cấp tiền mặt cho phụ nữ sinh thêm con. Nhật Bản thì cam kết tăng gấp đôi trợ cấp cho trẻ em nhằm giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình khi sinh con và chăm sóc con nhỏ.
Để tăng tỉ lệ sinh con, cần phải có nhiều chính sách đồng bộ. Trong đó, thông điệp tuyên truyền về dân số trước đây là “Mỗi cặp vợ chồng sinh từ 1 đến 2 con”, đã được đổi thành “Mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ 2 con”. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có hướng dẫn mức sinh phù hợp cho từng địa phương; cải thiện tiền lương, thu nhập của người lao động, đầu tư hạ tầng xã hội như hệ thống nhà trẻ, trường học, khu vui chơi giải trí; có chính sách khuyến khích, ưu đãi dành cho phụ nữ sinh con… Nhiều chuyên gia cho rằng, để khuyến khích tăng mức sinh ở những vùng chưa đạt mức sinh thay thế, cần bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh 2 con; bỏ xử phạt, kỷ luật với những trường hợp sinh con thứ 3, nhất là với công chức, đảng viên.
NGUYỄN ĐỨC