Khơi thông huyết mạch kinh tế

Thứ Năm, 10/10/2024, 17:45 [GMT+7]
In bài này
.

Quốc lộ 51 dài hơn 73km, đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là con đường huyết mạch kết nối các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh với Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại.

Hiện nay, lưu lượng phương tiện trên tuyến đường này rất đông, đạt 60.500 xe/ngày đêm, cao gấp 5 lần so với thiết kế ban đầu (12.000 xe/ngày đêm). Đường quá tải, xuống cấp, thường xuyên kẹt xe là nỗi ám ảnh của không chỉ giới tài xế, người dân khi lưu thông trên con đường này mà còn là nỗi đau đầu của các doanh nghiệp khi phải vận chuyển hàng hóa qua đây. Bởi lẽ, nó vừa làm tăng thời gian đi lại, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao, phương tiện nhanh hư hỏng, vừa làm gia tăng chi phí vận chuyển, qua đó làm tăng giá thành sản phẩm và giảm sức cạnh tranh của hàng hóa.

Những năm đầu, khi Quốc lộ 51 mới được đầu tư nâng cấp, đưa vào sử dụng (năm 2013), thời gian di chuyển từ TP.Hồ Chí Minh về Bà Rịa-Vũng Tàu và ngược lại qua con đường này chỉ khoảng 2,5 tiếng, nhưng nay thì phải mất 3,5-4 tiếng đồng hồ. Đặc biệt, vào những ngày cao điểm lễ, tết, cuối tuần, lưu lượng xe trên tuyến đường này tăng đột biến nên thường xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài hàng cây số tại các giao lộ khiến thời gian di chuyển lâu hơn. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên con đường này có nguyên nhân là do mặt đường xuống cấp, ổ voi, ổ gà chi chít trên mặt đường, lưu lượng phương tiện đông.

Quốc lộ 51 hiện nay vẫn là tuyến đường độc đạo nối Bà Rịa-Vũng Tàu với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, rộng hơn nữa là cả các tỉnh vùng Tây Nam Bộ, là nơi lưu thông hàng hóa xuất-nhập khẩu đến các khu công nghiệp, cảng biển và ra nước ngoài. Hơn nữa, mỗi năm Bà Rịa-Vũng Tàu còn đón hàng chục triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, chưa kể nhu cầu đi lại học tập, làm việc của người dân Bà Rịa-Vũng Tàu đến các tỉnh, thành trong khu vực cũng rất lớn. Nếu tình trạng này kéo dài, ngành du lịch Bà Ria-Vũng Tàu cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Trước đây, khi chủ đầu tư là Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (BVEC) còn thu phí, cử tri tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhiều lần kiến nghị sửa chữa, khắc phục tình trạng xuống cấp trên Quốc lộ 51 nhưng chủ đầu tư từ chối với lý do “chưa đến hạn”. Từ tháng 1/2023, tuyến đường đã được tạm dừng thu phí nên trách nhiệm bảo trì, sửa chữa thuộc về Cục Đường bộ (Bộ GT-VT). Thế nhưng, kinh phí bảo trì, sửa chữa Quốc lộ 51 còn rất nhỏ, chưa tương xứng.

Với những lợi ích kinh tế-xã hội đã, đang và sẽ mang lại, Quốc lộ 51 cần một cuộc đại tu toàn diện, chứ không chỉ là việc dặm vá tạm thời những chỗ hư hỏng như cách mà Cục Đường bộ Việt Nam đang làm những ngày qua. Đừng trông chờ vào việc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khi đưa vào sử dụng (dự kiến năm 2026) sẽ giúp giới tài xế, hành khách lưu thông qua đây quên đi "con đường đau khổ" này. Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chỉ giúp giảm tải phần nào cho Quốc lộ 51, nhưng hiện còn nhiều vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh Đồng Nai, chưa chắc chắn kịp tiến độ. 

Hơn nữa, hiện nay, phương tiện ô tô tuy không còn phải trả phí đường bộ nhưng vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ hàng năm. Với hành khách và DN cần vận chuyển hàng hóa, các chi phí đó đã được tính vào giá vé hay phí vận chuyển. Vì vậy, cần phải coi người sử dụng tuyến đường này như những khách hàng để đối xử bình đẳng, cung cấp dịch vụ tương xứng, ở đây là con đường lưu thông thuận tiện, nhanh chóng. 

Giao thông như "mạch máu" của nền kinh tế. "Mạch máu" đó bị tắc nghẽn, sức khỏe nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, nhất là với tuyến Quốc lộ 51 - nơi đi qua vùng kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc gia!

NGUYỄN ĐỨC

;
.