Thông tin về việc từ tháng 8 vừa qua, thương hiệu thời trang CATSA phải đóng 22 cửa hàng vì không muốn cuốn vào cuộc cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc đã khiến nhiều người tiêu dùng tiếc nuối. Thương hiệu này là của một doanh nhân người Việt, đã tồn tại 13 năm tại TP.Hồ Chí Minh, từng đạt doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thùy Linh Cát, người sáng lập CATSA cho biết, bà đã phải chuyển hướng kinh doanh, trong khi nhiều người bạn của bà cũng sụt giảm doanh thu trầm trọng trước cơn lốc hàng Trung Quốc bán qua các nền tảng thương mại điện tử (online) Lazada, TikTok Shop và mới đây là những Temu, Shein, Taobao.
Chưa có con số thống kê cụ thể nào về số lượng DN, cửa hàng thời trang gặp khó khăn, phải đóng cửa nhưng thử dạo một vòng các đô thị như TP.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu cũng sẽ thấy, nhiều “phố thời trang” từng một thời sầm uất, nay thưa vắng khách. Biển sang nhượng cửa hàng, cho thuê mặt bằng treo khắp nơi.
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, cũng là lúc cuộc đổ bộ của các nền tảng thương mại điện tử từ nước ngoài vào Việt Nam diễn ra ồ ạt và làm thay đổi mạnh mẽ thói quen mua sắm của người Việt, nhất là trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.
Trước đây, muốn mua quần áo, giày dép hay đơn giản như cây son… người dân phải đi chợ hoặc vào cửa hàng, lựa chọn, thử chán chê mới có được sản phẩm ưng ý. Giờ đây, gần như mặt hàng nào cũng có bán online. Người dùng dù không chủ ý mua nhưng hàng hóa cứ đập vào mắt thông qua quảng cáo trong khi sử dụng điện thoại thông minh, máy tính để làm việc, giải trí, lướt mạng.
Giá cả cũng rất cạnh tranh. Hàng bán qua sàn thương mại điện tử thường rẻ hơn ở chợ, cửa hàng 15-20%, thậm chí lên đến hơn 90% vì được trợ giá, lại không mất chi phí mặt bằng, nhân viên và được hỗ trợ bởi công nghệ. Trong khi đó, người dùng được tự do lựa chọn, không lo trả giá, có khi còn được hỗ trợ giao hàng miễn phí hoặc mức phí rất thấp. Hơn nữa, hình thức bán hàng này còn có ưu điểm là tiếp cận mọi đối tượng khách hàng, kể cả người già, trẻ em từ thành thị tới nông thôn, miễn là người đó có sử dụng thiết bị di động thông minh có kết nối mạng.
Với những “tín đồ” mua sắm, họ thường ít quan tâm đến chất lượng. Tiêu chí đầu tiên của họ là giá rẻ và hành vi mua sắm online dường như đã thành thói quen khó bỏ. Vì vậy, nhiều người dù không chủ ý mua hàng nhưng vẫn đặt mua do thấy giá rẻ, hình thức bắt mắt. Khi sản phẩm không ưng ý, họ sẵn sàng bỏ xó không tiếc, vì nó chỉ bằng giá “ly trà sữa”. Đã qua rồi cái thời “ăn chắc, mặc bền”. Phần lớn người tiêu dùng hiện nay, nhất là giới trẻ chuộng hàng thời trang, mẫu mã đẹp, giá rẻ, có nhiều mẫu mới để thay đổi hơn là sản phẩm dùng được nhiều lần nhưng lỗi mốt.
Cuộc “đổ bộ” của các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài đã mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Vì vậy, dù vẫn ưu tiên cho hàng Việt Nam, nhưng trong quy luật thị trường, người tiêu dùng sẽ chọn cách chi tiêu có lợi nhất, khiến cho hàng Việt lép vế ngay trên sân nhà. Điều đáng lo ngại là các nhà sản xuất và bán lẻ trong nước ngày càng yếu thế, khó cạnh tranh với DN và hàng hóa Trung Quốc.
Để tiếp sức cho hàng Việt, bên cạnh sự nỗ lực của DN trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu riêng và tăng cường các kênh bán hàng online, cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc kiểm soát chất lượng hàng ngoại, xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh từ hàng rào thuế quan đến chi phí vận chuyển.
Nếu không hành động ngay, hệ lụy sẽ rất lớn là các cơ sở sản xuất nhỏ và tiểu thương phải đóng cửa, kéo theo nhiều lao động thất nghiệp. Khi DN trong nước không còn sản xuất hàng hóa, hàng ngoại nói chung, hàng Trung Quốc nói riêng chiếm lĩnh thị trường, họ sẽ có cơ sở để áp đặt lại giá với hàng hóa!
NGUYỄN ĐỨC