Đưa Ban đại diện cha mẹ học sinh trở về đúng chức năng

Thứ Tư, 30/10/2024, 17:50 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều năm liền tham gia họp phụ huynh cho con gái đang học ở một trường THPT tại TP. Vũng Tàu, tôi rất ngạc nhiên khi bầu Ban đại diện cha mẹ HS (CMHS), cả lớp không ai chịu nhận làm. Rất nhiều lý do được đưa ra khi tiến cử một ai đó. Người thì bận công việc, người cho rằng không có khả năng. Đa số đều ngại và cảm thấy rất khó khăn nếu nhận vai trò, vị trí này.

Ban đại diện CMHS cũng như “làm dâu trăm họ”. Để tạo được sự đồng thuận trong mọi hoạt động đều không dễ. Tôi đã rất khâm phục Ban đại diện CMHS nơi lớp con mình đang học. Không chỉ nhiệt tình, trách nhiệm trong việc đồng hành, phối hợp với GV, nhà trường trong dạy và học mà còn quan tâm chăm lo đến hoàn cảnh từng HS. Họ đồng hành cùng các con trong mọi hoạt động. Đặc biệt, trong lớp có một HS hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân em cũng thường xuyên bị ốm phải nghỉ học. Ban đại diện đã đến nhà gặp gỡ, trao đổi với cha mẹ của HS, đồng thời động viên, vận động phụ huynh trong lớp chung tay đóng góp kinh phí để em HS này chữa bệnh, mua sách vở để tiếp tục đến trường…

Thế nhưng, một lần nữa câu chuyện về Ban đại diện CMHS “lạm quyền”, thu chi quỹ bất hợp lý đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc, phụ huynh khi ngày 30/10, trên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu có bài viết “Ban đại diện cha mẹ học sinh lạm quyền”. Bài báo phản ánh tình trạng Ban đại diện CMHS đã tỏ ra lạm quyền trong thu, chi quỹ, gây bức xúc trong phụ huynh. Phải khẳng định đây là câu chuyện không mới, thậm chí thường xuyên xảy ra vào đầu năm học, gây bức xúc trong dư luận.

Vai trò của Ban đại diện CMHS được thể hiện cụ thể trong Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD-ĐT. Theo đó, nhiệm vụ của Ban đại diện CMHS lớp là “phối hợp với GV chủ nhiệm lớp và các GV bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục HS; phối hợp với GV chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp CMHS trong năm học; tham gia giáo dục đạo đức cho HS; bồi dưỡng, khuyến khích HS giỏi, giúp đỡ HS yếu kém, vận động HS đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ HS nghèo, HS khuyết tật và HS có hoàn cảnh khó khăn khác”. Ban đại diện CMHS từng lớp là cầu nối giữa phụ huynh và nhà trường, cùng với nhà trường cho các con một môi trường học tập vui vẻ, hạnh phúc.

Về kinh phí hoạt động của Ban đại diện CMHS cũng được quy định trong Điều 10 của Điều lệ. Theo đó, Ban đại diện CMHS không được quyên góp các khoản không tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện CMHS  như bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, GV, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Quy định rõ, cụ thể là vậy nhưng trên thực tế đó đây vẫn còn có Ban đại diện CMHS chưa thực hiện đúng, đi “chệch” quỹ đạo về vai trò, vị trí của mình. Rất nhiều ý kiến cho rằng nên giải tán Ban đại diện CMHS. Tuy nhiên, thay vì thế thì cần đưa Ban đại diện CMHS quay trở lại hoạt động đúng vai trò của nó, ở đó cần có sự tham gia của các cấp quản lý giáo dục, nhất là chấm dứt tình trạng lạm thu, lạm quyền như nhiều bài báo đã phản ánh.

Ban đại diện CMHS sẽ phát huy tốt vai trò khi làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, đó là phối hợp thực hiện công tác giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

LAM GIANG

;
.