Tuần trước, tôi đã rất sung sướng khi đặt mua được chiếc áo sơ mi của một hãng nước ngoài mà mình yêu thích trên Temu với giá chỉ bằng một nửa so với việc đặt hàng qua trung gian. Đây là một trải nghiệm khá mới mẻ và chắc sẽ còn nhiều thời gian để thỏa sức mua sắm khi nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo mở tính năng bán hàng tại Việt Nam vài tuần qua. Rất nhiều ưu đãi cho người dùng mở tài khoản và giao dịch lần đầu, thậm chí nhiều món hàng giảm giá tới 70-80%.
Trước đó, tôi vốn là khách hàng quen thuộc của Shopee, Tiki và Lazada... Cũng như phản hồi của nhiều khách hàng, ngoài lợi thế giá cạnh tranh thì hiện nay, một số sàn thương mại điện tử như Shein, Temu với chính sách miễn phí vận chuyển đang có sức hút lớn với người tiêu dùng trong nước.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình 25% mỗi năm. Hơn 61 triệu người Việt mua sắm online và giá trị mua bình quân mỗi người khoảng 336 USD. Đây được xem là “miếng bánh” hấp dẫn cho các ông lớn trong ngành thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, với sự có mặt ngày càng nhiều sàn thương mại điện tử quốc tế tại Việt Nam, chưa bàn đến thách thức cho các sàn thương mại điện tử trong nước thì chợ truyền thống đang chịu tác động rất lớn. Đó là người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn khi mua sắm trên không gian mạng trong khi danh sách sạp hàng ở chợ truyền thống đóng cửa ngày càng dài thêm. Bởi xu thế hiện nay là người tiêu dùng không còn đi chợ truyền thống nhiều như trước nữa.
Thông tin trên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu số ra gần đây cũng đã phản ánh rõ thực trạng này. Đó là chợ Vũng Tàu - một ngôi chợ truyền thống lớn nhất nhì tỉnh nay cũng không tránh khỏi ảnh hưởng bởi thương mại điện tử. Thống kê cho thấy, nếu như trước đây chợ có 950 hộ kinh doanh thuê 1.765 quầy, thì nay chỉ còn khoảng 500 hộ đang thuê khoảng 1.000 quầy. Phản ánh từ tiểu thương cũng cho thấy, doanh thu đã giảm từ 50-70%. Đây là con số đáng lo ngại cho chợ truyền thống.
Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng đã có không ít nỗ lực số hóa chợ truyền thống. Thời gian qua, mô hình chợ 4.0 được ngành công thương phối hợp với các địa phương, đơn vị chức năng triển khai tại một số chợ. Tiểu thương cũng được tập huấn kỹ năng livestream bán hàng trên không gian mạng. Việc đầu tư chợ khang trang, sắp xếp lại kệ hàng theo từng nhóm cũng được triển khai. Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của thương mại điện tử, cùng với đó là siêu thị mini, cửa hàng bán lẻ len lỏi vào tận khu dân cư thì chợ truyền thống vẫn chưa có hướng tháo gỡ mang tính khả thi.
Vậy tương lai của chợ truyền thống sẽ như thế nào? Chắc chắn sẽ phải thay đổi để bắt kịp xu hướng nếu muốn tồn tại và phát triển. Chợ truyền thống vẫn có vị thế của riêng nó nêu biết khai thác từ vai trò của chợ về truyền thống văn hóa, du lịch của mỗi địa phương. Muốn vậy, ngoài nỗ lực của chính tiểu thương trong việc kết hợp hình thức bán hàng trực tiếp với trực tuyến, rất cần có sự đồng hành, hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước.
LAM GIANG