Chiếc điện thoại thông minh và câu chuyện chuyển đổi số

Thứ Tư, 09/10/2024, 17:48 [GMT+7]
In bài này
.

Cách đây hơn chục năm, trong một game show của Đài Truyền hình Việt Nam có câu hỏi, khi ra khỏi nhà, đồ vật gì nhất thiết không được bỏ quên. Có đến hơn 90% khảo sát và được người chơi trong chương trình trả lời là chiếc ví, đứng ở vị trí số 1 về mức độ quan trọng. Tuy nhiên, cũng câu hỏi trên ở thời điểm này, vị trí số 1 chắc chắn là chiếc điện thoại thông minh.

Nói vậy là hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ chiếc điện thoại thông minh hiện nay không chỉ giới hạn với chức năng liên lạc, mà còn có vô vàn tiện ích như: thanh toán không dùng tiền mặt, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tra cứu thông tin; đăng ký tạm trú, cấp hộ chiếu, đăng ký cấp biển số xe, thay thế thẻ BHYT…

Và câu chuyện chuyển đổi số bắt đầu từ chiếc điện thoại thông minh cũng đang là cách mà người dân từ thành thị đến nông thôn tham gia tích cực và chủ động. Với chiếc điện thoại thông minh, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đang len lỏi vào mọi ngõ ngách cuộc sống, đơn giản và cụ thể nhất như quét mã QR hàng ngày.

Cho đến nay, mã QR đã hiện diện ở khắp mọi nơi, từ chiếc xe bán bánh mì, cho đến các trung tâm thương mại, khu du lịch, rạp chiếu phim, bảo tàng… Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, người dân có thể quét mã QR để mua sắm thanh toán trực tuyến, tra cứu thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Cũng với chiếc điện thoại, ngay cả người nông dân cũng đã biết cách quản lý quá trình sinh trưởng, phát triển cây con giống, đồng thời phát sóng trực tuyến (livestream) để quảng bá, bán sản phẩm do mình trồng ra, mà không phải phụ thuộc vào thương lái.

Trong khi đó, đối với DN cũng xác định rõ chuyển đổi số là con đường tất yếu phải đi nếu muốn phát triển bền vững.

Theo báo cáo Digital Vietnam 2024 của Datareportal, đến nay 95,7% người dân Việt Nam sở hữu điện thoại di động, với 98,9% sử dụng internet qua điện thoại di động. Tỷ lệ người truy cập internet thông qua thiết bị di động tăng trưởng mạnh mẽ, từ 14,71% (năm 2013) đến 40,13% (năm 2020) và vượt 84% (năm 2023).

Chuyển đổi số nước ta đang triển khai với 3 trụ cột chính gồm: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương. Thống kê cũng cho thấy, với 100% lãnh thổ phủ sóng di động, 75% người dân dùng Internet, 54 triệu người dân đã tham gia giao thương trực tuyến, 100% DN đã sử dụng hóa đơn điện tử, 100% huyện, 97% xã trên toàn quốc được kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng quốc gia thì kinh tế số đóng góp hơn 10% GDP.

Với tầm quan trọng của chuyển đổi số, Quyết định số 505/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Năm nay, Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Rõ ràng, chuyển đổi số không chỉ là ở sự tiện lợi từ chiếc điện thoại thông minh. Đặc biệt, chuyển đổi số phải để người dân, DN hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ góp phần tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

LAM GIANG

 

 

;
.