Tỉnh táo trước tin giả

Thứ Năm, 12/09/2024, 17:28 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày qua, lợi dụng tình hình thông tin về mưa lũ sau cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ảnh hưởng nghiêm trọng về người và của ở các tỉnh phía Bắc, nhiều đối tượng đã tung tin giả trên các trang mạng xã hội để câu view, câu like.

Các đối tượng tung tin giả rất tinh vi khi chỉnh sửa, dàn dựng hình ảnh, cắt ghép video clip hoặc thêm, bớt thông tin, tung tin đồn thất thiệt về tình trạng vỡ đê, vỡ đập thủy điện, thủy điện xả lũ, nơi này nơi kia ngập lụt. Nhẫn tâm hơn, có đối tượng còn dám tung tin giả "vớt được hàng chục xác người buộc dây vào nhau trên biển ở Cẩm Phả"…

Trong lúc chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đang khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt, tìm kiếm người mất tích; nhiều gia đình đang đau thương vì mất người thân, mất nhà cửa do bão lũ gây ra; nhiều người còn mắc kẹt trong nước lũ; đồng bào cả nước đang hướng về miền Bắc để cứu trợ thì những tin giả về lũ lụt như đổ thêm dầu vào lửa, khiến người dân càng hoang mang, lo lắng.

Điều nguy hại ở chỗ, một tin giả đưa lên, dù chưa được kiểm chứng nhưng nhiều người dùng mạng xã hội đã vội chia sẻ. Theo cấp số nhân, tin giả lan truyền qua tay hàng trăm, hàng ngàn người, sẽ khiến người ta tin là thật và khi có tin thật thì lại bị nghi ngờ là giả. Hơn nữa, nhiều tin giả về lũ lụt được đưa lên mạng xã hội sẽ gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác cứu hộ, cứu trợ đồng bào.

Một đồng nghiệp của chúng tôi chia sẻ thông tin trong nhóm zalo của những người làm báo: “Nhiều tin nhắn kêu cứu nhưng rất nhiều trong số đó lặp lại nhau. Có một người bị nạn ở một khu vực, họ đăng tin lên nhóm của họ. Nhóm của họ có 1.000 thành viên và chỉ cần 100 người share tin đó ra thì thành ra 100 người bị nạn, nhưng thực tế chỉ có một người… Nhiều tin nhắn cần hỗ trợ được gửi đến tôi. Có nhiều tin nhắn lặp lại nội dung…”. Điều dễ thấy, thông tin kêu cứu ở đây dù là thật, nhưng đã bị “tam sao thất bản”, khi nó được nhiều người chia sẻ khiến cho những người tiếp nhận thông tin cuối cùng dễ bị lầm tưởng về số người bị nạn. Thông tin đó làm cho công tác cứu hộ, cứu trợ gặp khó khăn, bởi rất có thể nhiều lực lượng và nhiều hàng cứu trợ sẽ được tập trung về một chỗ, nhưng cuối cùng chỉ giúp được… một người.

Tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sau cơn bão số 3, lực lượng cứu nạn, cứu trợ của các cơ quan nhà nước cũng như những nhóm cứu trợ tự phát còn thiếu thông tin chi tiết về tình hình nạn nhân ở những khu vực bị cô lập. Vì vậy, một tin giả được chia sẻ, dù vô tình hay hữu ý cũng có thể làm lỡ cơ hội cứu sống cả chục người khác. Những mất mát, đau thương mà đồng bào các tỉnh, thành phía Bắc đã và đang phải gánh chịu do hậu quả của bão lũ là rất to lớn, không gì có thể bù đắp được. Xin đừng làm cho nỗi đau ấy thêm nặng hơn bằng những tin giả!

Những người có hành vi tung tin giả đã, đang và sẽ bị cơ quan chức năng xử lý, nhưng hậu quả của thông tin giả để lại là rất khó lường. Do đó, bất kỳ thông tin gì về tình hình bão lũ khi đưa lên mạng xã hội và trước khi chia sẻ cũng cần phải được cân nhắc, kiểm chứng. Việc ngăn chặn, xử lý tin giả không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng mà bản thân mỗi người dân, người dùng mạng xã hội cần phải tỉnh táo nhận biết bằng cách theo dõi, chia sẻ thông tin từ các cơ quan báo chí truyền thông chính thống và trang thông tin chính thức của các cơ quan chức năng; đồng thời mạnh dạn tố giác những người tung tin giả để cơ quan chức năng xử lý, góp phần chung tay ngăn chặn nạn tin giả.

NGUYỄN ĐỨC

;
.