Mấy bữa trước, ra ngồi quán cà phê, tình cờ gặp nhóm học sinh của một trường THPT chăm chú đọc sách. Các cô các cậu ngồi một góc gọn gàng, xem chừng rất thân thiết và hăng say đọc. Thỉnh thoảng các em luận bàn về nội dung này, nội dung khác trong sách. Có khi nói chuyện về việc mua thêm sách này, sách kia và thể hiện ao ước về việc xây dựng một tủ sách mini ở nhà, để đọc, để chia sẻ…
Ô hay! Thời nào rồi mà con trẻ còn mê mẩn về sách nhỉ!
Tôi hóng chuyện và bâng quơ hồi tưởng. Tự nhiên, đánh thức một phần ký ức của thời trẻ với ước muốn về một căn phòng đầy ánh sáng, một chiếc bàn vừa đủ để một ly cà phê, một cuốn sách. Chung quanh là một vài chiếc ghế nhỏ với một kệ sách đồ sộ bên cạnh, toàn là bộ kinh điển, những đại văn hào...
Trong mong ước to lớn đó, điều bây giờ tôi đã làm là sắm được một bộ bàn ghế nho nhỏ, vừa vặn cho một chiếc laptop và một ly cà phê. Còn sách? Tôi đã thay thế cái kệ sách trong tưởng tượng bằng việc “phẩy, phẩy, phẩy, lướt lướt lướt” điện thoại.
Thì cũng đúng. Bây giờ nhu cầu đọc của tôi đã khác xưa rất nhiều. Mà với đa số người trưởng thành, nhu cầu đọc, phương pháp đọc cũng đã thay đổi. Mấy ai còn duy trì được đam mê đọc sách, còn tỉ mẩn lấy bút màu đánh dấu những đoạn tâm đắc, hay ho và cố gắng thuộc lòng vài câu, vài ý của tác giả… Để rồi, kiến thức từ sách dần ngấm vào tâm hồn và trí não, trở thành tri thức của bản thân.
Internet đã đến với thế giới chúng ta một cách ồn ào. Chúng ta đón nhận nó một cách sôi nổi. Internet mang đến một kho tri thức khổng lồ và cách con người tiếp cận tri thức từ đó không chỉ bó hẹp chỉ trong con chữ. Sách - dù có in nhiều đến đâu, dày dặn đến đâu cũng không thể chứa đựng hết những gì internet mang lại.
Vì internet tiện ích, dễ tiếp cận, chúng ta cũng lười chuyển hóa nguồn tri thức vào trí não, biến thành kiến thức, kỹ năng, phản xạ. Để rồi, cũng rất nhẹ nhàng và tự nhiên, từng bước, từng bước ta lệ thuộc vào internet, theo kiểu “những gì không biết thì tra google”. Cho nên, với nhiều người, bây giờ, nếu tách khỏi môi trường internet chưa hẳn đã có thể làm tốt được phần việc của mình. Như việc soạn thảo một văn bản đơn giản thôi, cũng phải lên mạng copy mẫu.
Hẳn có người sẽ muốn phản biện chỗ này: internet mang lại tiện ích đó. Nếu không tận dụng thì chẳng phải là ngớ ngẩn hay sao? Đương nhiên rồi. Đòi hỏi con người quay trở lại thời chưa có internet là chuyện viễn vông. Không tận dụng tiện ích từ internet là ngớ ngẩn. Nhưng sự phụ thuộc vào internet làm con người trở nên thụ động hơn trước các diễn biến của cuộc sống. Khả năng tự tin và sáng tạo trong lao động, học tập suy giảm vì tâm lý chờ đợi “tra google”.
Dù có bảo thủ đến đâu thì thời đại ngày nay, cũng không thể coi việc đọc sách là phương tiện tối ưu nhất để tiếp cận tri thức. Đọc sách, hay nghiên cứu từ internet đều có những thế mạnh riêng. Sách dễ tập trung và ghi nhớ. Internet có thể huy động tối đa kiến thức chuyên sâu theo chuỗi liên kết. Học từ sách cũng tốt, học từ interet cũng tốt. Cái cần có là duy trì thói quen về ghi nhớ và lưu dẫn tri thức vào đầu, để loại bỏ sự phụ thuộc thái quá vào internet.
Thành ra, bên cạnh sự phong phú và lợi thế của internet thì những hoạt động giới thiệu, chia sẻ đam mê đọc sách trong xã hội cũng rất đáng trân quý và tôn vinh.
HOÀNG NAM