Nghĩa đồng bào hướng về miền Bắc

Thứ Tư, 11/09/2024, 17:07 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày qua, sân văn hóa thôn nơi quê nhà luôn chật kín người. Trên tay mỗi người là đùm gạo nếp, bó lá dong, cân thịt heo hay ký đậu xanh… Đây là nguyên liệu để gói bánh chưng, bánh tét. Ai nấy đều khẩn trương, nhanh chóng góp công, góp sức. Người lau lá dong, người chẻ lạt, người đãi nếp… để kịp gói bánh, nấu ngay trong đêm gửi ra cho bà con vùng lũ.

Sống ở vùng đất mà hàng năm đều phải đón nhận nhiều trận bão lũ tàn khốc, có lẽ người dân quê tôi càng thấu hiểu những khó khăn, vất vả của đồng bào miền Bắc đang bị thiệt hại nặng do bão số 3 gây ra. Chính vì vậy, hàng ngàn chiếc bánh chưng, bánh tét nóng hổi, gói ghém cả tình yêu thương, tấm lòng thơm thảo của những người con miền Trung gửi ra miền Bắc với mong muốn sẻ chia, hỗ trợ đồng bào vùng lũ vượt qua khó khăn này.

Phát huy tinh thần “nhường cơm, sẻ áo” cho vùng lũ, nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả được triển khai khắp mọi miền đất nước. Tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, các chị, các mẹ cũng đang hối hả, khẩn trương kho thịt, làm chà bông, gói bánh… Những địa phương gần với vùng lũ thì tổ chức hỗ trợ vận chuyển hàng trăm chuyến xuồng chở người và tài sản của nhân dân đến vùng an toàn; hỗ trợ vận chuyển lực lượng chức năng đến các khu vực bị cô lập gửi nhu yếu phẩm, thăm hỏi người dân bị mắc kẹt...

Còn ngay tại thành phố biển Vũng Tàu, những ngày qua các tổ chức, cá nhân cũng đang kêu gọi vận động cùng chung tay để ủng hộ, sẻ chia với người dân vùng lũ. Trên các diễn đàn, fanpage, thông tin đã có rất nhiều xe cứu trợ, chở nhu yếu phẩm do người dân ủng hộ như đèn pin, áo phao, nước sạch, thuốc, giấy vệ sinh, xúc xích, thịt hộp, quần áo…, nhanh chóng chuyển ra cho người dân vùng lũ.

Mới đây, Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã tổ chức phát động, kêu gọi các DN, cơ quan, cá nhân cùng kết nối với các nhóm tình nguyện, thiện nguyện, các tầng lớp Nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài chung tay, góp sức, người có của góp của, người có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, cùng hỗ trợ để giúp người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra.

Ngay sau đó, nhiều cơ quan, đơn vị cũng đã phát động và tổ chức góp tiền, của ủng hộ chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ. Những câu chuyện đẹp, xúc động về tinh thần này đang được lan tỏa. Đó là hình ảnh GS.TS Lê Ngọc Thạch - giảng viên thỉnh giảng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cầm cuốn sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng đến tòa soạn Báo Tuổi Trẻ gửi “chút yêu thương” cho đồng bào miền Bắc đang chịu thiệt hại bởi bão lũ. Hay câu chuyện về các cụ bà tiết kiệm lương hưu, những em HS tiết kiệm tiền tiêu vặt… để ủng hộ đồng bào vùng lũ.

Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua. Không chỉ quét sạch tài sản của nhiều gia đình mà còn tàn phá các công trình, gây ngập lụt, sạt lở núi tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Theo thống kê đến 15 giờ ngày 11/9, đã có 296 người chết, mất tích do bão số 3 và mưa lũ, sạt lở. Những con số về thương vong, thiệt hại về người vẫn đang tăng lên mỗi ngày.

Hơn lúc nào hết, đây cũng chính là lúc mỗi người dân Việt Nam cần phát huy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, nghĩa đồng bào và tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách để cùng chung tay giúp bà con vùng lũ vượt qua khó khăn, tái thiết cuộc sống.

LAM GIANG

 

 

;
.