Khi con vào lớp 1

Thứ Sáu, 06/09/2024, 16:04 [GMT+7]
In bài này
.

Con tôi năm nay vào lớp 1. Những ngày đầu tiên đến lớp không như mong đợi rằng con sẽ thích thú với việc làm quen với môi trường học tập mới. Những buổi học đầu tiên trước ngày khai giảng, con đã bắt đầu luyện viết chữ. Bài tập con viết trên lớp không hết, cô dặn con về nhà viết tiếp. Buổi tối cả nhà gác lại mọi việc để đốc thúc con luyện chữ.

Rồi lại nghe câu chuyện 1 phụ huynh (PH) ở TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) bức xúc khi đưa con đến một trường tiểu học đăng ký vào lớp 1 năm học 2024-2025 thì bị hiệu trưởng bắt phải đọc được 10 chữ ở giữa quyển sách giáo khoa lớp 1 thì mới nhận đơn.

Những câu chuyện trên là nỗi khổ của các PH không cho con đi học trước lớp 1. Vào lớp 1, con không biết viết, biết đọc đã khiến PH lo lắng biết nhường nào. Thế nên, xu hướng ngày nay, phần lớn PH đều cho con đi học tiền lớp 1.

Những lo lắng của PH đều xuất phát từ việc cho rằng chương trình lớp 1 hiện nay đang quá nặng, sợ con không theo kịp. Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, chương trình giáo dục lớp 1 được thiết kế để giúp các em bước đầu làm quen với chữ viết và số học. Chương trình, sách giáo khoa mới nặng hay nhẹ là do GV. Bởi các cô được giao quyền linh hoạt trong dạy học làm sao đảm bảo mục tiêu cần đạt cuối kỳ, cuối năm.

Chương trình của Bộ cũng thiết kế để tất cả các tiết học của trẻ sẽ phải được tiến hành đầy đủ, cho dù HS đã biết chữ trước hay chưa. Thế nên, dù trẻ học trước hay không thì các bài học vẫn được diễn ra từ đầu.

Quy định là vậy, nhưng thực tế, nhiều GV, PH đều mong muốn con em mình khi vào lớp 1 đã biết đọc và viết. Khi vào năm học, các cô giáo chỉ dạy lớp 1 “nâng cao” để phần lớn HS có thể thuận lợi đạt thành tích giỏi, xuất sắc.

Khi trẻ bước vào lớp 1, đó không chỉ là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời mà còn đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình học tập kéo dài nhiều năm. Các bài học đầu tiên khi trẻ bước chân vào lớp 1 cần giúp trẻ làm quen với môi trường học tập mới, xây dựng nền tảng kỹ năng cơ bản và phát triển lòng tự tin.

Tại Hoa Kỳ, các buổi học đầu tiên ở lớp 1 thường tập trung vào việc phát triển kỹ năng xã hội và tính tự lập. Trẻ em được khuyến khích tự mình thực hiện các nhiệm vụ cơ bản như lấy sách vở, sắp xếp đồ dùng học tập, và tự giác làm bài tập. GV cũng thường tổ chức các hoạt động nhóm để giúp trẻ học cách hợp tác, chia sẻ và xây dựng mối quan hệ với bạn bè. Điều này giúp trẻ dễ dàng thích nghi với môi trường học tập mới và tạo dựng lòng tự tin.

Ở Nhật Bản, trong những buổi học đầu tiên, trẻ lớp 1 được dạy cách chào hỏi, cúi đầu và các quy tắc ứng xử trong lớp học. Những bài học này không chỉ giúp trẻ hiểu và tuân thủ các quy tắc xã hội mà còn rèn luyện tính kỷ luật, một phẩm chất được đánh giá cao trong văn hóa Nhật Bản. Bên cạnh đó, trẻ cũng bắt đầu học về bảng chữ cái Hiragana, là bước đầu tiên trong quá trình học tiếng Nhật.

Phần Lan nổi tiếng với hệ thống giáo dục tiên tiến. Những ngày đầu tiên, GV thường tổ chức các hoạt động ngoài trời hoặc các trò chơi sáng tạo giúp trẻ phát triển kỹ năng tư duy và sự sáng tạo. Trẻ em được học cách giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm và thể hiện ý tưởng của mình một cách tự nhiên và không bị áp lực.

Mỗi quốc gia có những cách tiếp cận riêng, nhưng đều hướng tới mục tiêu chung là giúp trẻ phát triển toàn diện và hứng thú với việc học, nhất là ở giai đoạn học tập đầu đời của mỗi đứa trẻ.

ANH ĐÀO

;
.