Kết nối du lịch và điện ảnh

Thứ Sáu, 13/09/2024, 17:29 [GMT+7]
In bài này
.

Trong số 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, điện ảnh và du lịch là hai ngành trọng điểm. Việc kết hợp giữa điện ảnh và du lịch là xu hướng tất yếu để phát triển, quảng bá du lịch một cách hiệu quả. Đây là nhận định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) trong buổi tọa đàm “Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới” do Báo Nhân Dân phối hợp với Bộ VHTT&DL tổ chức ngày 10/9 vừa qua.

Việc kết hợp điện ảnh và du lịch trong các chiến dịch truyền thông đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia. Tại những nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc, Anh, Italy…, các tác phẩm điện ảnh có sức lan tỏa rộng lớn, không chỉ tiếp cận khán giả toàn cầu mà còn mang về hàng tỷ USD doanh thu, đồng thời trở thành tâm điểm thu hút khách du lịch.

Ví dụ, từ năm 2001, sau khi loạt phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” (Lord of the Rings) ra mắt, lượng khách quốc tế đến New Zealand đã tăng 50%. Tương tự, giai đoạn 2011-2014, loạt phim “Harry Potter” đã giúp Anh tăng 230% số du khách nước ngoài đến thăm các phim trường. Những địa điểm như Croatia, Iceland, Bắc Ireland, và Scotland xuất hiện trong bộ phim “Trò chơi vương quyền” (Game of Thrones) cũng trở thành các điểm du lịch nổi tiếng sau khi phim được phát hành.

Tại châu Á, Hàn Quốc là một điển hình thành công trong việc thu hút khách du lịch qua phim ảnh. Những bộ phim nổi tiếng như “Nấc thang lên thiên đường”, “Trái tim mùa Thu”, “Bản tình ca mùa Đông”, “Nàng Dae Jang Geum” và “Itaewon Class” đã khai thác hiệu quả vẻ đẹp lãng mạn của đảo Nami, đảo Jeju, biến Hàn Quốc trở thành một điểm đến nổi bật. Campuchia cũng được thế giới biết đến nhiều hơn nhờ bộ phim “Bí mật ngôi mộ cổ” trong khi quần đảo Koh Phi Phi của Thái Lan đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn sau khi xuất hiện trong “Nhiệm vụ bất khả thi.”

Tại Việt Nam, sau sự thành công của các bộ phim như Chuyện của Pao (2006), Cha cõng con (2017), Cánh đồng bất tận (2010), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), Mắt biếc (2019), Em và Trịnh (2022), các địa điểm như Hà Giang, Đồng Tháp, Phú Yên, Huế, Đà Lạt đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn mà du khách mong muốn trải nghiệm.

Đặc biệt, bộ phim “Hành trình tình yêu của một du khách” do Netflix sản xuất, quay tại các điểm đến nổi tiếng của Việt Nam như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam và Hà Giang, đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của khán giả quốc tế. Chỉ sau bốn ngày ra mắt, phim đã lọt vào top 3 phim tiếng Anh được truy cập nhiều nhất trên toàn cầu và đứng trong top 10 phim được xem nhiều nhất tại 77 quốc gia. Phong cảnh tuyệt đẹp của Việt Nam, qua những góc quay tinh tế, kết hợp với hình ảnh văn hóa truyền thống như áo dài và các phong tục Tết cổ truyền, đã làm nổi bật bản sắc Việt Nam, thúc đẩy khán giả quốc tế mong muốn đến Việt Nam để khám phá.

Các nhà làm phim nhận định rằng, với sự ổn định chính trị và phong cảnh đa dạng, mới lạ, Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành phim trường lý tưởng, thay thế các địa điểm đã quá quen thuộc ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines và Campuchia. Để hiện thực hóa tiềm năng này, việc hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa ngành du lịch và điện ảnh là rất cần thiết. Đồng thời, cần có những giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch nói chung và hợp tác du lịch - điện ảnh nói riêng, nhằm tăng cường thu hút du khách quốc tế tới Việt Nam, khẳng định vai trò của cả hai ngành đối với nền kinh tế đất nước.

TRẦN HIỀN

;
.