Để tuổi già luôn vui khỏe, có ích

Thứ Hai, 30/09/2024, 17:43 [GMT+7]
In bài này
.

5h sáng, công viên phía dưới chung cư nơi tôi ở đã rộn rã tiếng nhạc tập thể dục. Nhóm thì tập dưỡng sinh, nhóm ngồi thiền nhưng cũng có nhóm khiêu vũ nhẹ nhàng. Điều đáng ngạc nhiên không phải là thanh niên, trung niên mà hầu hết là người cao tuổi. Đều đặn như vậy mỗi ngày. Trong số các cụ ở đây, tôi thường xuyên gặp và trò chuyện với chú Long, 74 tuổi. Thường gặp là vì mỗi sáng đi làm tôi hay cùng xuống thang máy với hai vợ chồng chú. Đó cũng là thời điểm mà vợ chồng chú đi ăn sáng cà phê với nhóm bạn cao niên. Thỉnh thoảng không thấy chú và cô đi bộ hay tập khiêu vũ ở công viên, gọi điện hỏi thăm mới hay họ đã đi du lịch ở đâu đó miền Trung, miền Bắc. Và dù ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng chú và cô chưa bị mắc một loại bệnh nền nào. Hỏi bí quyết, chú cười, đó là không bao giờ để bản thân trở nên cảm thấy “thừa thãi”, bằng việc chăm luyện tập thể dục thể thao, sinh hoạt ăn uống điều độ, lành mạnh và luôn có bầu bạn để chia sẻ…

Trên thực tế, ngày càng có nhiều người cao tuổi như chú Long, đó là biết chủ động hơn trong việc đi tìm niềm vui cuộc sống. Không chỉ tham gia hội, nhóm, câu lạc bộ, ra ngoài gặp gỡ bạn bè, chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Thậm chí, rất nhiều người cao tuổi với tinh thần “tuổi cao ý chí càng cao” đã đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế xã hội. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trên mọi lĩnh vực đời sống, hiện nay nhiều người cao tuổi đã có những đóng góp vào các hoạt động xã hội đầy ý nghĩa, tham gia các phong trào giúp nâng cao sức khỏe, trí lực, đồng thời là điểm tựa tinh thần, nêu gương sáng để con cháu noi theo.

Tuy nhiên, trước thách thức về tốc độ già hóa dân số nhanh như nước ta hiện nay cũng đặt ra rất nhiều vấn đề cần có sự tham gia của cả cộng đồng xã hội trong việc chăm sóc cho người cao tuổi. Thống kê của Tổng cục Dân số cho thấy, Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người cao tuổi trên 65 tuổi chiếm 7% tổng dân số. Sau 10 năm, số người cao tuổi chiếm 8,3% tổng dân số, tức 8,16 triệu người. Dự báo, số này tăng lên 16,8 triệu vào năm 2039 và đến 25,2 triệu vào năm 2069. Như vậy, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ 2036, khi tỷ trọng nhóm dân số từ trên 65 tuổi đạt 14% tổng dân số. Cũng theo thống kê, 73% người già Việt Nam không có lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con cái. Trong đó, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định. Chi phí điều trị mỗi năm dành cho người cao tuổi cao gấp 8-10 lần người trẻ.

Chăm lo cho người cao tuổi luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10 (1991-2024) có chủ đề “Chung tay bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi” nhằm nhấn mạnh vai trò của người cao tuổi cũng như tăng cường các hoạt động chăm sóc cho người cao tuổi. Trước đó, ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, trong đó, công tác người cao tuổi được xác định là một trong các chủ trương, định hướng lớn. Nghị quyết đặt ra mục tiêu 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tuổi thọ trung bình của người dân khoảng 75 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm, đồng thời định hướng tăng cơ hội việc làm bền vững cho người trong và sau độ tuổi lao động để thích ứng với tốc độ già hóa dân số.

Chính vì vậy, các cơ quan, tổ chức, mỗi gia đình và từng cá nhân trong xã hội hãy thật sự quan tâm và hành động cụ thể nhằm chăm sóc, bảo vệ quyền lợi cho người cao tuổi. Từ đó, không chỉ giúp người cao tuổi sống khỏe mà còn sống vui và ý nghĩa.

LAM GIANG

 

;
.