Chủ động phòng tránh và thích ứng

Thứ Hai, 16/09/2024, 18:05 [GMT+7]
In bài này
.

Mẹ tôi vội vàng, quần ống thấp ống cao tất tả chạy ra chuồng bò, cột dây thừng và nhanh chóng dắt bò băng qua cánh đồng lúa mênh mông nước để gửi nhà một người bà con xa ở trên núi. Tấm ni lông đã vàng ố buộc vội qua người, cả mẹ và bò đi như chạy giữa trời mưa như trút nước, bởi không nhanh khi trở về có thể trôi theo dòng lũ đang cuồn cuộn dâng lên ngập đồng.

Con trâu, con bò là “đầu cơ nghiệp” của nhà nông, do đó không chỉ nhà tôi, những người hàng xóm đều í ới gọi nhau, lần lượt dắt đi gửi, việc làm đầu tiên khi lũ lụt tràn về.

Lúc này ở nhà, cha tôi ra vườn chặt hết cây chuối có ở trong vườn, kết những thân chuối lại với nhau thành cái bè chắc chắn. Có 2 chiếc bè như thế được đóng nhanh chóng, một chiếc dành cho con heo nuôi cả năm nay đã nặng gần 1 tạ và con chó vàng hơn chục năm giữ nhà. Một chiếc dùng để phòng khi nước lũ dâng cao, cả gia đình sẽ di chuyển đến nơi an toàn.

Lâu lâu, có tiếng trưởng thôn thông báo tình hình nước lũ. Mọi người lại hò nhau, nhanh chóng xúc lúa, lạc, khoai khô bỏ hết vào bao, gác lên chạn nhà.

Mẹ tôi trở về, người ướt như chuột lột, vậy mà cũng tranh thủ đào được bao đất. Sau đó mẹ tôi khéo léo làm một cái bếp dã chiến dùng trong những ngày lũ lụt. Vại nhút, vại cà, hũ muối cũng được mẹ cẩn thận gác lên chạn, đó là thực phẩm mặn duy nhất dành cho những ngày chống chọi với lũ.

Sống ở vùng rốn lũ miền Trung, vốn trở thành một sự quen thuộc, vào tháng 8, 9 âm lịch hàng năm là mưa bão, lũ lụt. Năm nào cũng vậy, 4, 5 trận như thế. Cho nên người dân quê tôi khi xây nhà, ai ai cũng phải làm cái chạn tránh lũ. Những tấm ván gỗ bắc ngang qua 2 xà nhà, chắc chắn, vững chãi. Vào vụ thu hoạch, nhà nào dư dả thì cái chạn để chất trữ lúa, lạc, ngô, khoai khô... Nhưng mục đích chính vẫn là dùng để tránh trú khi nước dâng cao vào mùa bão lũ.

Chính nhờ sự chủ động chuẩn bị phòng tránh như đã kể trên, những trận bão lũ dù lớn cũng bớt phần thiệt hại, đặc biệt là về người. Không chỉ giảm thiểu rủi ro mà người dân quê tôi còn tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu trước thiên tai khắc nghiệt, bất thường.

Trong những ngày này, tin tức mưa bão, lũ lụt ở nhiều địa phương trong nước cũng như các quốc gia. Sự khốc liệt, bất ngờ và ngày càng khó lường của thiên tai, sự tàn phá ghê gớm của cơn bão Yagi (bão số 3) vừa qua đã để lại thiệt hại về người và của chưa từng có. Điều này cho thấy sự nghiêm trọng của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp gây ra. Với sự hiện diện của 8 loại hình do thiên tai, hiểm họa gây ra bao gồm bão, lũ, lụt, hạn hán, sạt lở đất, lốc, xâm nhập mặn và xói lở bờ sông… Những thảm họa này không chỉ gây tổn thất to lớn về người, phá hủy cơ sở hạ tầng và sinh kế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế xã hội trong dài hạn.

Chính vì vậy, trong chiến lược dài hạn và ngắn hạn cần triển khai giải pháp đồng bộ, không chỉ đầu tư hạ tầng, chính sách, quy hoạch… nhằm giảm mức độ tổn thương, tổn thất và thiệt hại. Đặc biệt, phải chú trọng nâng cao khả năng chống chịu, sự chủ động phòng tránh cũng như năng lực thích ứng của người dân trước biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ bất thường như câu chuyện người dân quê tôi đã làm trước mùa mưa bão.

LAM GIANG

 
;
.