Tôi từng gặp cảnh này. Tôi đến trụ sở một cơ quan để liên hệ công việc. Trong giờ làm việc, nhân viên đơn vị này tiếp đón và trả lời qua quýt về việc tôi cần liên hệ. Trong suốt đoạn giao tiếp chóng vánh, tôi cũng nhận được câu trả lời về vấn đề mình hỏi, dù cô ấy chỉ ngước nhìn tôi đúng một lần. Phần lớn thời gian của buổi tiếp chuyện, cô tập trung vào chiếc điện thoại. Rất thiếu tích cực.
Tôi tin, nhiều người đã gặp cảnh tương tự, trong nhiều không gian, thời gian khác nhau!
Hồi đầu tháng 9/2024, ngành Thuế có công văn yêu cầu tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành không sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc. Nội dung của công văn này xuất phát từ thông tin không phù hợp mà người lao động trong ngành đưa lên mạng xã hội. Sau công văn của ngành Thuế, người dân phản hồi tích cực, nhiều người cho rằng cần siết chặt quản lý việc sử dụng điện thoại thông minh khi làm việc. Đương nhiên, không thể ban hành quy định “cấm dùng điện thoại thông minh” trong công sở. Nhưng đã đến lúc cần có quy định hạn chế việc sử dụng điện thoại ngoài mục đích công việc trong giờ làm.
Điện thoại là vật bất ly thân với tất cả mọi người trong thời đại ngày nay. Ra khỏi nhà, có thể quên vài thứ, nhưng quên điện thoại là chuyện “không được phép xảy ra”. Nhiều khảo sát chỉ ra rằng, người ta sẵn sàng quay đầu dăm cây số để trở về nhà lấy bằng được điện thoại khi để quên.
Ngoại trừ tính chất quan trọng của việc giữ liên lạc, điện thoại còn chứa đựng thông tin bí mật với cá nhân mỗi người, và là phương tiện giải trí mọi lúc, mọi nơi. Xem chừng, một trong số những bứt rứt, khó chịu hàng đầu của con người hiện nay là việc điện thoại sắp hết pin mà không tìm được chỗ sạc.
Xu hướng bị điện thoại thông minh chi phối và chứng nghiện điện thoại đã trở nên phổ biến ở mọi lứa tuổi. Nó đánh cắp rất nhiều thời gian của con người, trong môi trường học tập và lao động. Tại Hàn Quốc, Trung Quốc nhiều năm trước, đất nước này đã xây dựng các mô hình trại hè cai nghiện điện thoại thông minh.
Trên thực tế, sự phụ thuộc thái quá vào điện thoại phát sinh từ các giải pháp bên thứ 3 (các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại), mà phổ biến nhất là các ứng dụng mạng xã hội. Các ứng dụng này với rất nhiều người, tính chất giải trí nhiều hơn là tiện ích công việc. Thành ra, sử dụng điện thoại quá mức và tùy tiện, ở một khía cạnh nào đó, cũng không khác gì nghiện game. Lệ thuộc điện thoại, con người trở nên lười vận động, lười tương tác, lười suy nghĩ, lười lao động và mất khả năng tập trung vào công việc.
Trong cuốn Deep Work (làm việc chuyên sâu) - Làm ra làm, chơi ra chơi, tác giả Cal Newport nhận định, điện thoại thông minh, thông thường sẽ tạo nên “sự thôi thúc trong việc chuyển sự chú ý sang một số điều hời hợt hơn”. Khi bạn đang làm việc mà bên cạnh là chiếc điện thoại thông minh, thỉnh thoảng cứ báo “ting, ting” và kho giải trí đang mời gọi mở nguồn, bạn gần như không có sự tập trung tuyệt đối.
Đã đến lúc, hãy bỏ điện thoại ra!
Bỏ điện thoại ra! Không có nghĩa là không dùng điện thoại. Nhưng hãy dùng nó một cách thông minh, hữu ích với cuộc sống và công việc của mình.
HOÀNG NAM