Bảo vệ trẻ trước vấn nạn bạo hành

Thứ Sáu, 06/09/2024, 17:23 [GMT+7]
In bài này
.

Mấy ngày qua, dư luận xã hội vô cùng phẫn nộ trước vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại cơ sở mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP.Hồ Chí Minh). Cụ thể, trong lúc chăm sóc trẻ, bảo mẫu có những hành động ngược đãi, đánh đập như: ngồi lên người trẻ sơ sinh, bóp đầu, bóp miệng, tát hoặc dùng tay xách người, ném lật úp lên nệm, đánh vào tay, chân trẻ.

Còn tại Bà Rịa-Vũng Tàu, hẳn dư luận vẫn chưa quên cái chết oan ức của bé N.N.G.H. do bị bạo hành tại một điểm giữ trẻ không phép ở phường 11, TP.Vũng Tàu cách đây khoảng 1 năm. Qua quá trình điều tra và làm việc với cơ quan công an, bà N.T.B. (người trông giữ bé H.) khai rằng bé bị sặc sữa dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, kết quả giám định pháp y xác định nguyên nhân cái chết của bé H. là do suy đa cơ quan. Cơ quan CSĐT Công an TP.Vũng Tàu cũng thông báo kết luận giám định nguyên nhân tử vong của bé H. là do suy đa cơ quan, chấn thương sọ não và viêm phổi. Ngày 18/7 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Vũng Tàu đã ra quyết khởi tố vụ án hình sự liên quan đến cái chết của bé H.

Những vụ việc trên cho thấy, trẻ bị bạo hành không chỉ bởi chính bạn bè, hàng xóm, người thân mà còn có cả thầy, cô giáo, thậm chí là cha mẹ. Hậu quả gây ra cho trẻ sau khi bị bạo hành ngoài tổn thương sức khỏe, còn ảnh hưởng tinh thần nghiêm trọng. Thậm chí, nhiều trẻ còn gặp khó khăn trong việc giao tiếp xã hội, khó hòa nhập, sợ người, ảnh hưởng đến cả quá trình hình thành và phát triển trong tương lai.

Pháp luật đã có quy định về chế tài xử phạt đối với hành vi bạo hành trẻ em về thể chất, tinh thần. Cụ thể, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm gây tổn hại tinh thần trẻ ở mức độ nhẹ (Điều 22, Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em). Với hành vi bạo hành gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trẻ em như búp trên cành, là chủ nhân tương lai của đất nước và cũng là một trong những nhóm đối tượng yếu thế luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Việc tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ là trách nhiệm của cả xã hội. Để không còn tái diễn những vụ việc thương tâm trên, cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội, trách nhiệm, năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa hành vi bạo hành trẻ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập. Kiên quyết xử lý những cơ sở không đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ cho hoạt động nuôi dưỡng trẻ em theo quy định hiện hành.

Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quan tâm chỉ đạo và thực hiện các giải pháp triệt để đối với công tác trẻ em, cũng như thường xuyên theo dõi trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, kịp thời chăm sóc, bảo vệ, hỗ trợ theo quy định.

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, trong đó tập trung vào kỹ năng tự bảo vệ bản thân, thoát hiểm khi gặp tình huống khẩn cấp; nhận thức về sức khỏe sinh sản, giới tính và phòng chống HIV/AIDS.

Và điều quan trọng hơn hết là cộng đồng hãy lên tiếng cũng như lên án mạnh mẽ những hành vi bạo hành trẻ để các em được sống trong tình yêu thương, có cơ hội phát triển mọi mặt.

TRIỆU VỸ

;
.