Tăng tốc làm cao tốc

Thứ Năm, 22/08/2024, 17:40 [GMT+7]
In bài này
.

Từ năm 2005, sau khi tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu hoàn thành, đưa vào sử dụng, hàng loạt dự án du lịch dọc hai bên đường, trải dài từ TP.Vũng Tàu tới các huyện Long Điền, Đất Đỏ và Xuyên Mộc đã được cấp giấy phép đầu tư.

Đến nay, sau khoảng 20 năm kể từ khi con đường này được đưa vào sử dụng, dải đất ven biển trải dài hàng chục cây số vốn hoang sơ, vắng vẻ năm xưa, đã trở nên nhộn nhịp với hàng chục khu nghỉ dưỡng cao cấp, đặc biệt là khu vực Hồ Tràm, Bưng Riềng, Bình Châu của huyện Xuyên Mộc. Du khách nườm nượp kéo về đây tắm biển, nghỉ dưỡng, vui chơi. Những làng chài nghèo ven biển lột xác, trở thành resort, khu vui chơi, giải trí cao cấp hay khu dân cư khang trang, nhà cửa san sát. Cùng với đó, thu ngân sách địa phương từ hoạt động du lịch cũng như thu nhập và đời sống người dân ngày càng tăng lên.

Đó là một minh chứng cụ thể cho việc đầu tư hạ tầng giao thông để mở ra không gian phát triển mới.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 coi phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó, phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc. 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000km đường cao tốc, đi qua 15 tỉnh, thành phố, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên gần 2.100km. Như vậy, số km đường cao tốc làm được từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã gần bằng các nhiệm kỳ trước cộng lại.

Thời gian còn lại từ nay đến hết nhiệm kỳ không nhiều. Do vậy, ngày 18/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì lễ phát động đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”. Theo đó, trong 500 ngày đêm, cả nước phải hoàn thành 1.000km đường cao tốc, tương đương mỗi ngày 2km.

Đây là nhiệm vụ hoàn toàn khả thi, bởi hiện tại, các dự án đường bộ cao tốc đang thi công dài 1.700km, chuẩn bị khởi công khoảng 1.400km. Để đạt mục tiêu đó, Thủ tướng yêu cầu “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm”. Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả”, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay tại công trường dự án.

Thực tế cho thấy, khi đã được chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về mặt bằng, vật liệu và được bố trí vốn kịp thời, đầy đủ, nhà thầu sẵn sàng huy động tối đa máy móc, phương tiện, tổ chức thi công liên tục, “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ”, “3 ca 4 kíp”… Nhờ đó, nhiều dự án vượt tiến độ, điển hình như dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có khả năng vượt tiến độ 8 tháng.

Đường giao thông, đặc biệt là đường cao tốc được đưa vào sử dụng tới đâu sẽ giúp kết nối giao thương, vận chuyển hàng hóa, con người nhanh chóng, thuận tiện tới đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội, mở ra cơ hội và không gian phát triển mới quanh tuyến đường đi qua. Hơn thế nữa, việc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đường cao tốc còn góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo điều kiện cho các ngành nghề khác phát triển theo.

Do vậy, để hoàn thành mục tiêu 3.000km đường cao tốc đã đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các bộ, ban, ngành, địa phương và nhà thầu phải vào cuộc hành động quyết liệt, với tinh thần thần tốc, khẩn trương!

NGUYỄN ĐỨC

 
;
.