Khoảng vài chục năm về trước, tôi từng lặn lội về vùng sâu, vùng xa cùng cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình để vận động bà con trong độ tuổi sinh sản thực hiện các biện pháp tránh thai. Ở thời điểm đó, gia đình đông con là phổ biến, trong cả xóm may ra mới có một vài hộ ít con theo chuẩn “2 con là đủ” như khuyến cáo. Ngoài việc cấp miễn phí thuốc tránh thai, trong chương trình còn có vận động triệt sản đối với những gia đình quá đông con, đẻ quá dày hoặc có vấn đề về di truyền gây nguy cơ dị tật thai nhi. Khu vực thành thị cũng có tỷ lệ cao các cặp vợ chồng sinh nhiều con cần phải được tiếp cận tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình.
Bẵng đi một thời gian, chính sách dân số đã buộc phải thay đổi theo chiều hướng ngược lại, khi mà tình hình xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của cuộc sống gia đình ngày càng đòi hỏi cao hơn. Xu hướng gia đình hạt nhân, có ít con dần trở nên phổ biến, thậm chí có những gia đình chỉ sinh 1 con và trì hoãn tuổi sinh con có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường cho xã hội trong tương lai.
Theo Cục Dân số (Bộ Y tế) liên tục từ năm 2020 đến nay, mức sinh xuống thấp tại các tỉnh, thành phía Nam đã kéo theo mức sinh của toàn quốc giảm chỉ còn 1,96 con/phụ nữ. Đây là mức thấp nhất trong lịch sử. Việc mức sinh bị kéo giảm trong khi tốc độ già hóa dân số của nước ta đang tăng nhanh là cảnh báo cho việc thiếu hụt lực lượng lao động khi giai đoạn dân số vàng trôi qua.
Số liệu từ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho thấy, Bà Rịa-Vũng Tàu là 1 trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, tổng tỷ suất sinh đạt 1,96 con/phụ nữ, trong khi đó mục tiêu duy trì mức sinh thay thế thì tỷ suất sinh phải đạt 2,1 con/phụ nữ.
Phân tích của cơ quan chuyên môn cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng giảm mức sinh như: xu hướng kết hôn muộn; không muốn đẻ con hoặc đẻ ít, đẻ thưa; đô thị hóa và phát triển kinh tế dẫn tới áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, nuôi dạy và chăm sóc con cái. Bên cạnh đó, trình độ học vấn và điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ cũng có tác động đến mức sinh thấp.
Ngày 15/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới. Trong đó yêu cầu Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện chính sách về dân số để duy trì mức sinh thay thế bền vững. Chỉ thị cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, nhất là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ở thời điểm này, việc ban hành Chỉ thị số 27 là rất cần thiết, nhằm thúc đẩy các cấp chính quyền, cơ quan chủ quản đặc biệt quan tâm đến chính sách dân số. Trong đó có việc đẩy mạnh truyền thông để mỗi gia đình đều nắm bắt và hiểu được giá trị của việc sinh đủ 2 con và độ tuổi sinh con thay vì trì hoãn.
Nỗi lo nhà ít con đang hiện hữu... và cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp để tránh càng sớm càng tốt những hệ lụy.
TIỂU CƯỜNG