Nâng tầm chất lượng du lịch cho làng cổ

Thứ Sáu, 09/08/2024, 14:17 [GMT+7]
In bài này
.

Gần đây, nhiều ngôi làng cổ trên thế giới đã trở thành địa điểm du lịch rất nổi tiếng thu hút lượng khách khổng lồ đến tham quan, trải nghiệm mỗi ngày.

So với thế giới, Việt Nam cũng có những ngôi làng cổ có bề dày lịch sử, văn hóa, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, chứa đựng những câu chuyện thú vị không kém. Có thể kể đến như: Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), Làng Thổ Hà (Bắc Giang) Làng cổ Túy Loan (Đà Nẵng) Làng cổ Long Tuyền (Cần Thơ)…

Riêng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, với đặc trưng vùng biển, nơi đây có những làng chài lâu đời như Làng chài Phước Tỉnh có tuổi đời hơn 300 năm. Với ba mặt giáp biển, thiên nhiên trù phú, cuộc sống của người dân phụ thuộc nhiều vào biển. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, từ thời Gia Long (1802-1820), người ta đã dựng Đàn Kỳ Phong ở Phước Tỉnh để thờ các vị hải thần. Cư dân Phước Tỉnh tin rằng, nhờ nghề biển mà họ có cuộc sống ấm no.

Hay Làng chài Phước Hải đã tồn tại hơn trăm tuổi, vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng qua bao năm tháng. Nơi đây còn lưu trữ nghề thuyền thúng. Ánh mặt trời vừa ló rạng, những chiếc thuyền thúng nối nhau vào bờ, người dân kéo lưới, thu cá và vận chuyển đến các chợ lân cận, khiến cho khung cảnh trở nên nhộn nhịp và đầy sức sống.

Ngoài 2 làng chài kể trên, Bà Rịa-Vũng Tàu còn có Làng chài Bình Châu, Làng chài Bến Đá - Bến Đình, Làng chài Long Hải đều có khung cảnh thiên nhiên miền biển tuyệt đẹp và nét văn hóa đặc trưng nghề biển lâu đời.

Tuy nhiên, để những ngôi làng cổ Việt Nam có thể nổi tiếng như các làng cổ ở nhiều quốc gia trên thế giới cần có sự “dẫn dắt” bởi những câu chuyện sâu sắc và hấp dẫn trên hành trình quảng bá điểm đến của Việt Nam ra nước ngoài. Những câu chuyện gắn với từng “gốc cây, ngọn cỏ”, con người, món ăn, lễ hội, nghề thủ công truyền thống, tín ngưỡng… khơi gợi du khách mường tượng về một nơi kỳ thú đáng để khám phá, tận hưởng.

Bên cạnh đó, điều quan trọng là sự đầu tư để đem đến những trải nghiệm tốt cho du khách. Các ngôi làng của Việt Nam có nhiều sản phẩm cho du khách trải nghiệm nhưng chưa có sự chọn lọc, nâng tầm để du khách cảm thấy thỏa mãn và tin cậy. Các tour tham quan làng nghề ở Việt Nam chưa được chú trọng. Du khách gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin tại địa điểm trải nghiệm. Họ cũng lo ngại gặp phải tình trạng “chặt chém”, không bảo đảm vệ sinh, an toàn…

Điều quan trọng nữa là giá trị văn hóa, lịch sử ở mỗi ngôi làng cần được chú trọng, bảo tồn đúng cách, không để di tích bị bê tông hóa, “làm mới”. Những ngôi làng cổ được bảo tồn tốt sẽ trường tồn, không bị phai nhạt, biến mất trong tiến trình đô thị hóa, hiện đại hóa. Cùng với hành trình quảng bá, nâng tầm dịch vụ trải nghiệm cho du khách, những ngôi làng cổ Việt Nam sẽ tạo lên những địa điểm du lịch nổi tiếng, đặc trưng của Việt Nam; từ đó đem lại những lợi ích kinh tế du lịch, bản sắc văn hóa đất nước càng được giữ gìn và lan tỏa.

NGUYỄN THI

;
.