Lập lại trật tự đô thị

Thứ Hai, 26/08/2024, 17:40 [GMT+7]
In bài này
.

Nghe tiếng hô có trật tự đô thị tới từ một chị bán hàng rau, người đàn ông tất tả đẩy xe hàng xuống “hầm trú ẩn”. Chỗ này vốn là nơi để xe tầng hầm của một trường mầm non tư thục ngay cạnh. Đây cũng là chỗ giấu hàng tạm hơn một năm qua của ông mỗi khi lực lượng trật tự đô thị phường đi kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường.

1 giờ đồng hồ sau khi lực lượng chức năng đi khỏi, những người bán rau, trái cây, hải sản… lại nhanh chóng dọn hàng ra.

Câu chuyện này lặp đi lặp lại nhiều năm qua, quen thuộc đến nỗi khi khu phố thông báo đang có đợt cao điểm ra quân lập lại trật tự đô thị của TP.Vũng Tàu (từ ngày 24/8 đến 30/9) nhằm chấn chỉnh việc lấn chiếm lòng, lề đường, những cư dân lại lắc đầu, đâu lại vào đó ấy mà!

Cái lắc đầu cho thấy giải pháp mà cơ quan chức năng quyết liệt triển khai có vẻ như chưa thực sự khả thi. Vỉa hè vẫn bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, kinh doanh. Những người bán hàng đều biết ngồi bán ở vỉa hè là vi phạm pháp luật. Thậm chí nhiều người chấp nhận nộp phạt chứ không thể bỏ buôn bán trên vỉa hè. Chính vì vậy, việc giành lại vỉa hè, không thể chỉ trông chờ vào những đợt ra quân, hay mỗi sáng, mỗi chiều đi kiểm tra, xử phạt.

Tại TP.Vũng Tàu, một số phường đã xây dựng mô hình “tuyến phố văn minh đô thị” với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các khu phố, tổ dân cư cũng như mỗi người dân và cho thấy hiệu quả rõ nét. Ngoài đạt 4 tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật; vệ sinh môi trường, cây xanh; trật tự đô thị và mỹ quan đô thị thì các tuyến phố này còn bảo đảm an ninh trật tự, khắc phục tình trạng lấn chiếm lòng lề đường... Đây là mô hình cần nhân rộng nhiều hơn với sự tham gia tích cực của mỗi cư dân trên địa bàn.

Trở lại câu chuyện lập lại trật tự đô thị qua đợt ra quân ngày 24/8 mới đây cho thấy, việc lấn chiếm vỉa hè làm hàng quán, kinh doanh là lỗi vi phạm phổ biến. Các chuyên gia nhận định, có ba nguyên nhân chính, trong đó có sự thiếu quyết tâm của chính quyền, người dân chưa chấp hành pháp luật và thiếu tính toán trong vấn đề an sinh xã hội khi người dân không còn được buôn bán ở vỉa hè.

Rõ ràng, vỉa hè không chỉ là không gian dành cho người đi bộ mà còn gánh nhiều chức năng của đô thị. Chính vì vậy, nếu việc xử lý vi phạm không đi kèm với các giải pháp đồng bộ như quy hoạch hạ tầng, quan tâm sinh kế người dân, kết hợp công tác tuyên truyền thì bài toán trật tự đô thị, sắp xếp lại trật tự đô thị, đường thông hè thoáng sẽ vẫn chưa thể có lời giải cuối cùng. Cùng với đó là cần phát huy vai trò tham gia quản lý vỉa hè của cộng đồng dân cư và các tổ chức, đoàn thể tại địa phương như mô hình “tuyến phố văn minh đô thị” đang được triển khai.

Do vậy, phải giải được bài toán lợi ích hài hòa giữa người dân và công tác đảm bảo trật tự văn minh đô thị. Nếu không, thì đây vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”!

NGÔ GIA

 

;
.