Gần đây, tôi biết được con trai tôi đang học lớp 8 thường xuyên sử dụng ứng dụng ChatGPT để làm bài tập về nhà tất cả các môn. Con cho biết, ChatGPT có thể giúp con làm khoảng 70% bài tập một cách nhanh chóng. Sự thật khiến tôi băn khoăn.
ChatGPT một trong những ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang được HS ở lứa tuổi THCS trở lên sử dụng phổ biến. Ngoài ra còn có các ứng dụng tương tự như Gemini, Claude Sonet…
Mặc dù không nằm trong độ tuổi được chính thức cấp tài khoản sử dụng, không ít HS đã làm quen các ứng dụng này để giải toán, viết văn, vẽ tranh, lên ý tưởng cho những dự án học tập. Chỉ mất 30 giây, các em đã có đáp án các dạng bài tập với sự trợ giúp từ ChatGPT.
Ở Mỹ, cuộc thăm dò HS độ tuổi 13 đến 17, do tạp chí Junior Achievement và công ty nghiên cứu Big Village thực hiện, đưa ra kết quả: 44% HS sử dụng AI để hoàn thành bài tập về nhà thay vì tự làm. Tuy nhiên, 60% trong số này hiểu rằng, sử dụng và phụ thuộc vào AI như vậy là gian lận. Ở TP.Hồ Chí Minh, trong một cuộc khảo sát nhỏ của AI Education (Google) tại một trường THPT, 39% trong số 267 HS đã sử dụng ít nhất một công cụ AI hỗ trợ việc học tập và giải trí.
Điều này cũng khiến các GV phải đau đầu khi HS bị lệ thuộc vào ChatGPT nên ngày càng lười động não. Việc giao bài tập về nhà của GV với mục đích giúp các em rèn luyện kỹ năng và tư duy, đã không còn hữu dụng khi HS sử dụng ChatGPT. Từ đó dẫn đến tâm lý học hành đối phó, không coi trọng việc trau dồi, rèn luyện kiến thức, kỹ năng học tập.
Hơn nữa, các câu trả lời, đáp án từ ChatGPT không phải lúc nào cũng đúng theo yêu cầu sách giáo khoa. Thực tế đã có không ít HS bị điểm số thấp hơn mong đợi khi tin rằng các đáp án mà ChatGPT đưa ra là hoàn toàn chính xác.
Khi sử dụng ChatGPT để làm hộ bài tập còn gây ra hiện tượng không trung thực, học không thật đối với HS, SV. Sự phát triển của ChatGPT khiến nhiều người lo lắng rằng đây sẽ là con dao hai lưỡi, là thách thức đối với giáo dục khi người học có thể sẽ sử dụng nó như một công cụ để gian lận và GV sẽ gặp khó khăn trong việc đánh giá HS.
Tuy nhiên, để kiểm soát vấn đề này là rất khó. Bởi đa phần HS ngày nay có nhiều điều kiện để tiếp xúc học tập thường xuyên với các thiết bị thông minh (smartphone, máy vi tính, Ipad…). Thông qua đó, các em có thể dễ dàng tải và sử dụng các ứng dụng AI. Điều này cũng không thể ngăn cấm bởi đây là xu hướng phát triển tự nhiên trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin.
Điều quan trọng là dạy trẻ cách sử dụng ChatGPT một cách thông minh. Để làm được điều này, GV cần được tập huấn và đào tạo về việc sử dụng AI trong hoạt động dạy và học. Trong tháng 7 vừa qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức khóa đào tạo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động dạy và học dựa trên công nghệ Google”. Nhiều GV đến với khóa học do sở này tổ chức để tìm giải pháp ứng phó khi biết HS sử dụng các ứng dụng AI khá thành thạo để làm bài tập về nhà.
Những khóa đào tạo như vậy sẽ giúp GV từng bước hình thành năng lực hướng dẫn để HS sử dụng AI một cách an toàn, có đạo đức và cân bằng. Các em cũng cần được hướng dẫn để ý thức được mức độ chính xác của những câu trả lời do AI cung cấp. Và quan trọng nhất, thầy cô cần khơi gợi, biểu dương những ý tưởng độc lập riêng của HS khi đối chiếu với ý tưởng của AI.
Đối với phụ huynh, cha mẹ cần thường xuyên theo dõi việc sử dụng ChatGPT của con em mình, đảm bảo rằng con không lệ thuộc vào công cụ này mà vẫn duy trì được khả năng tư duy sáng tạo và tự lực trong học tập.
NGUYỄN THI