Những năm qua, ngành thủy sản nước ta nói chung và của 28 địa phương ven biển nói riêng tiếp tục phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ lệ đóng góp khoảng 30% GDP trong lĩnh vực nông nghiệp, đạt tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng hơn 9 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành thủy sản nước ta chưa thực sự bền vững và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong ba năm gần đây, sản lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên tiếp tục giảm sút. Năm 2021, sản lượng đánh bắt thủy sản đạt 4,14 triệu tấn; năm 2022 giảm còn 3,86 triệu tấn và năm 2023 giảm sâu hơn, chỉ còn ở mức 3,58 triệu tấn.
Sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên giảm không chỉ trong giai đoạn bị EU cảnh báo thẻ vàng do hoạt động đánh bắt vi phạm IUU, mà cả trong những năm trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã chỉ ra những bất cập gây mất ổn định của nghề đi biển lâu đời, là sinh kế cho hàng triệu lao động.
Trước hết, về số lượng tàu cá khai thác thủy sản, cả nước có hơn 90.000 chiếc, chủ yếu là tàu cá có chiều dài từ 6-15m: 58.700 chiếc (chiếm 65,4%), tàu cá có chiều dài 15-24m có 29.500 chiếc (chiếm 31,6%), tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên có 2.588 chiếc (chiếm 3%). Tàu cá của nước ta nhiều nhưng không mạnh, chủ yếu khai thác ven bờ với ngư cụ gây hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
Chính vì cách đánh bắt lạc hậu, không khoa học nên trữ lượng thủy sản trên các vùng biển nước ta liên tục suy giảm. Vào những năm 2000, trữ lượng thủy sản tự nhiên của cả nước khoảng 5 triệu tấn; 10 năm sau giảm còn 4,3 triệu tấn; đến năm 2020, trữ lượng thủy sản chỉ còn 3,95 triệu tấn, phần lớn là cá nổi, nhỏ.
Trước những khó khăn và tồn tại của ngành thủy sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, tổ chức lại sản xuất thủy sản theo hướng phát triển bền vững là mục tiêu được Bộ NN&PTNT chú trọng thực hiện, với phương châm giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Dư địa của ngành nuôi trồng thủy sản nước ta rất lớn nhưng lâu nay bị bỏ quên mà chỉ tập trung vào đánh bắt, trong khi hai mệnh đề này gắn liền với nhau.
Việc khắc phục những bất cập hiện nay của ngành thủy sản cần được thực hiện theo lộ trình giảm dần số lượng tàu cá (mục tiêu đến năm 2030, cả nước còn khoảng 83.000 chiếc) và tạo sinh kế cho ngư dân không làm nghề đánh bắt hải sản trên biển (ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi nghề sang nuôi trồng thủy sản trên bờ, ven bờ, trên biển với quy mô HTX).
Giảm số lượng tàu cá, khai thác có chọn lọc thủy sản có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển… là những nội dung đáng chú ý tại Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu ban hành. Từ năm 2017 đến nay, Bà Rịa -Vũng Tàu đã giảm được hơn 1.800 tàu cá, hiện còn 4.450 tàu, trong đó 2.705 tàu hoạt động vùng khơi và đến năm 2030, tỉnh sẽ tiếp tục giảm số lượng tàu cá tối thiểu thêm 12% .
Trong vài năm gần đây, nhiều ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu đã mạnh dạn đầu tư nuôi biển bằng lồng nhựa HDPE, với các loại cá chủ lực là cá mú, cá bớp, cá chim. Thực tế cũng đã chứng minh, so với nghề đi biển gian truân, gặp nhiều rủi ro do thiên tai, sản lượng đánh bắt ngày càng giảm, thì nghề nuôi biển ổn định và hiệu quả hơn.
Khi nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt thì việc chuyển đổi sang phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững là cấp thiết. Theo đó, rất cần sự thay đổi mạnh mẽ trong chỉ đạo quản lý, cùng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đủ mạnh để hình thành một ngành nuôi biển hàng hóa quy mô lớn. Đồng thời, tổ chức lại các cơ sở, hộ nuôi biển nhỏ lẻ, phân tán theo mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng, HTX liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, cần kết hợp giữa nuôi biển với các ngành kinh tế khác để tận dụng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường và tạo dựng hệ sinh thái nuôi biển bền vững.
HOÀNG LÊ