Đại học không còn là con đường duy nhất

Thứ Năm, 01/08/2024, 18:18 [GMT+7]
In bài này
.

Đến thời điểm này, các thí sinh đã hoàn tất công tác đăng ký xét tuyển đại học năm 2024 và đang làm thủ tục thanh toán lệ phí xét tuyển. Như vậy, công tác tuyển sinh đại học năm nay đã đi đến những công đoạn cuối cùng. Tính đến thời điểm khóa cổng đăng ký xét tuyển trực tuyến (17h00 ngày 30/7), có hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (1.071.393 thí sinh).

Với hình thức đăng ký nguyện vọng trực tuyến, thí sinh có nhiều thuận lợi khi chỉ cần ngồi ở nhà để thao tác. Mỗi thí sinh có thể đăng ký tối đa 15 nguyện vọng. Do đã biết điểm tổ hợp xét tuyển, thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn của ngành dự kiến xét tuyển những năm trước để cân nhắc, tính toán trước khi chọn ngành. Cùng với hệ thống trường đại học đa dạng như hiện nay, hầu như thí sinh nào cũng có thể đậu đại học. Nhiều người ví von, thi vào lớp 10 còn khó hơn đại học và chỉ cần tốt nghiệp THPT là chắc chắn sẽ đậu đại học.

Khi không còn phải lo chuyện đậu hay rớt đại học thì nỗi lo còn lại chính là đầu ra sau khi tốt nghiệp: làm việc gì, có đúng chuyên ngành hay không, thu nhập có như mong đợi hay không?

Điều đáng mừng, tư tưởng của nhiều phụ huynh và học sinh ngày càng thay đổi rõ rệt. Điều này xuất phát từ thực trạng thừa thầy thiếu thợ. Mỗi năm có hàng trăm ngàn kỹ sư, cử nhân ra trường không có việc làm, hoặc có việc làm nhưng không đúng ngành, thu nhập thấp. Nhiều người phải chạy grab, shipper để kiếm sống, trụ lại thành phố lớn để tìm kiếm việc làm phù hợp và thu nhập hấp dẫn.

Nhưng điều đó không hề dễ. Chị Nga, một phụ huynh ở phường 7, TP.Vũng Tàu chia sẻ, con gái lớn và con rể chị đều tốt nghiệp đại học nhưng không có việc làm. Rút kinh nghiệm, năm nay chị hướng con gái út đi học nghề làm đẹp, không đăng ký xét tuyển đại học. Bởi lẽ, chị cho rằng xét cho cùng dù học đại học hay học nghề cũng là để kiếm sống. Khi đại học không còn hấp dẫn thì học nghề là lựa chọn hợp lý vì vừa đỡ tốn kém, vừa dễ kiếm việc làm mà thu nhập cũng không hề kém trình độ đại học!

Những năm gần đây, tâm lý vào đại học bằng mọi giá đã dần thay đổi. Thực tế, nhiều học sinh đủ điểm nhưng không học đại học. Thay vào đó, họ thực dụng hơn bằng cách đi học nghề với mong muốn được tham gia sớm vào thị trường lao động, có việc làm, thu nhập ổn định. Đó là lý do vì sao trong số hơn 1,07 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm nay, chỉ có hơn 733 ngàn thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Tỷ lệ này cao hơn năm 2023 (65,9%) và 2022 (64,1%) nhưng thấp hơn nhiều so với những năm trước, khi tâm lý chung của đa số học sinh và phụ huynh phải là “vào đại học nào cũng được, còn hơn học cao đẳng, học nghề”.

Hiện nay, hệ thống trường nghề đa dạng, chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao. Cơ hội việc làm và thu nhập sau khi ra trường của học sinh trường nghề không kém, thậm chí còn hơn trình độ đại học. Hơn nữa, họ còn có cơ hội học tiếp lên đại học. Ngoài ra, con đường du học nghề ở các nước trên thế giới cũng rất rộng mở. Các trường nghề trong nước phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động để hợp tác đào tạo đạt chuẩn rồi đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Ở một số quốc gia như Đức, sinh viên du học nghề không những được miễn học phí mà còn được nhận tiền lương thực hành ngay từ tháng đầu tiên. Nếu biết gói ghém chi tiêu, sinh viên còn có thể dành tiền gửi về phụ giúp gia đình.

Theo kế hoạch, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn tuyển sinh đợt 1 từ 17h ngày 17/8 và hoàn thành chậm nhất ngày 19/8. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như tỷ lệ học sinh nhập học đại học thấp hơn nhiều so với số thí sinh trúng tuyển, bởi quan điểm, tư duy về đại học đã thay đổi. Đáng mừng thay!

NGUYỄN ĐỨC

 

;
.