Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Thứ Sáu, 09/08/2024, 17:26 [GMT+7]
In bài này
.

Trở về từ cuộc chiến, ông N.V.L. (TT.Long Hải, huyện Long Điền) mang trong mình di chứng chất độc da cam (CĐDC) khiến sức khỏe ngày càng suy yếu và giờ đây phải nằm liệt một chỗ khiến mọi đi đứng, sinh hoạt hàng ngày đều phải nhờ người thân.

Ông N.V.L. chỉ là một trong số hàng ngàn người bị nhiễm CĐDC trên địa bàn tỉnh do Mỹ sử dụng chất độc hóa học trong chiến dịch phi quân sự ở Việt nam cách đây 63 năm. Chiến tranh đã lùi xa nhưng nhiều người vẫn đang từng ngày, từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Một số trẻ sinh ra dị dạng, dị tật, sống đời sống thực vật...

Với mong muốn bù đắp phần nào những mất mát, xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân CĐDC, những năm qua, các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân trên địa bàn tỉnh có nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực. Cụ thể như: thăm hỏi, tặng quà và trợ cấp khó khăn; sửa chữa, xây mới nhà ở; trợ cấp khó khăn, trao vốn sinh kế, tặng sổ tiết kiệm, trao xe lăn, khám chữa bệnh, tặng thuốc và trao tặng cấp học bổng tiếp sức đến trường cho các gia đình HS có hoàn cảnh khó khăn…

Đặc biệt, Hội nạn nhân chất độc da cam/ dioxin tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện chủ trương, chính sách, các văn bản chỉ đạo của Đảng, nhà nước về công tác khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin. Đồng thời, tổ chức các sự kiện gắn với các nội dung tuyên truyền tạo sức lan tỏa trong xã hội, hướng các nguồn lực xã hội hóa vào các mục tiêu kế hoạch hành động khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, trọng tâm là cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe. Các nỗ lực nêu trên giúp họ phần nào vượt qua nỗi đau bệnh tật, có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Ngày vì nạn nhân CĐDC Việt Nam 10/8 nhắc nhở mọi người về một thảm họa đối với môi trường và sức khỏe của 3-5 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng, đồng thời kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Đây không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo mà hơn hết thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" với những người có công với đất nước, nêu cao truyền thống "Thương người như thể thương thân". 

Sự chung tay chia sẻ, giúp đỡ những nạn nhân nhiễm CĐDC cũng như gia đình của họ là trách nhiệm không của riêng ai. Các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cần tiếp tục thực hiện ngày càng hiệu quả công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC. Thường xuyên quán triệt đầy đủ các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, điều lệ của hội với nạn nhân CĐDC/Dioxin và với tổ chức hội, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, đổi mới phương thức hoạt động của hội nhằm nâng cao vị thế của hội, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các nạn nhân CĐDC/Dioxin trong tỉnh.

Các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục củng cố tổ chức, phát triển số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động, bám sát nhiệm vụ chính trị địa phương. Quan tâm động viên, giúp đỡ các gia đình nạn nhân và các nạn nhân CĐDC/Dioxin về vật chất và tinh thần, gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương, hăng hái tham gia phong trào thi đua, góp phần xây dựng quê hương văn minh giàu đẹp.

Cộng đồng DN, nhà hảo tâm thường xuyên quan tâm, ủng hộ, chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện giúp đỡ về vật chất và tinh thần để góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt công tác chăm sóc các nạn nhân CĐDC cũng như thực hiện chế độ chính sách cho họ nhanh chóng, kịp thời.

TRIỆU VỸ

 

;
.