Tìm lại tên cho các anh hùng liệt sĩ

Thứ Tư, 24/07/2024, 19:00 [GMT+7]
In bài này
.

Vào tháng Bảy hàng năm, chú Nguyễn Văn Tư - một đồng đội cũ của cha tôi lại khăn gói ra Quảng Trị. Hành trình của chú trong những ngày lưu lại nơi đây là đến thăm các nghĩa trang liệt sĩ, thắp cho đồng đội nén nhang thơm và trở lại chiến trường xưa.

Nhiều năm sau trong câu chuyện kể những lúc ghé thăm, tôi mới biết được chú có một người anh trai cả đang nằm lại nơi núi rừng Trường Sơn mà chưa tìm thấy hài cốt. Ba mẹ chú trước lúc mất đi vẫn luôn đau đáu mong mỏi và dặn dò các con phải tìm thấy và quy tập hài cốt anh về nơi nghĩa trang liệt sĩ địa phương.

Cũng như chú Nguyễn Văn Tư, gần 50 năm sau chiến tranh, nhiều gia đình vẫn đang nỗ lực và mòn mỏi trông chờ tìm kiếm được hài cốt thân nhân là liệt sĩ. Nỗi đau chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Trong khi đó, thời gian qua chúng tôi cũng chứng kiến nhiều cựu chiến binh, thanh niên xung phong cũng như các đơn vị, tổ chức vẫn luôn miệt mài với hành trình đi tìm đồng đội. Và hành trình này cũng hết sức gian nan bởi nhân chứng biết thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ ngày càng ít. Số lượng hài cốt liệt sĩ cần phải tìm kiếm, quy tập và số lượng liệt sĩ thiếu thông tin cần phải xác định còn nhiều. Hồ sơ, danh sách liệt sĩ quản lý, lưu trữ còn những bất cập chưa được bổ sung đầy đủ…

Thông tin từ Bộ CHQS tỉnh cho thấy, trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu còn hơn 1.000 mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin và 1.700 mộ có thông tin nhưng chưa đầy đủ. Còn trên cả nước vẫn còn hàng trăm ngàn liệt sĩ chưa quy tập được hoặc chưa xác định danh tính; trong đó có hơn 23 ngàn hài cốt liệt sĩ vẫn nằm lại rừng sâu, khe lạnh. Đằng sau con số thống kê này cũng là sự trăn trở, day dứt của bao thế hệ hôm nay. Việc tìm kiếm, xác định danh tính để “trả lại tên” cho các anh hùng liệt sĩ không chỉ là trách nhiệm của các các cơ quan chức năng mà còn của tất cả những người hôm nay đang sống trong hòa bình.

Tuy nhiên, với việc Bộ LĐ-TBXH ra mắt “Ngân hàng Gen” vào ngày 23/7 vừa qua tại Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 đã mở ra niềm hy vọng cho các gia đình thân nhân liệt sĩ. Đây cũng là niềm mong mỏi của toàn Đảng và Nhân dân cả nước khi tới đây, tất cả các liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung, từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 đề án liên quan việc quy tập và xác minh hài cốt, danh tính liệt sĩ. Đó là đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237) do Bộ Quốc phòng triển khai; Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) do Bộ LĐ-TBXH triển khai.

Trong đó, Đề án 150 được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ. “Việc xây dựng “ngân hàng Gen” trong tháng 7 này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định danh tính, trả lại tên cho hơn hàng trăm ngàn liệt sĩ, bớt đi sự day dứt cho gia đình thân nhân liệt sĩ”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung khẳng định.

Và thân nhân như chú Nguyễn Văn Tư có thêm niềm hy vọng tìm thấy hài cốt liệt sĩ đang nằm đâu đó trên chiến trường xưa. Những tấm bia bộ “liệt sĩ vô danh” nơi các nghĩa trang sẽ có tên tuổi, quê quán rõ ràng.

NGÔ GIA

;
.