Chỉ đến khi dây hụi trong xóm bị vỡ, chủ hụi ôm hàng chục tỷ đồng bỏ trốn, anh Bình mới biết vợ anh đã mất toàn bộ số tiền gia đình để dành được trong bao năm để chơi hụi. Đó cũng là số tiền vợ chồng anh khó khăn lắm mới góp nhặt được từ nghề nông để dưỡng già.
Vợ anh sụt sùi kể, khoảng 3 năm về trước, chị bạn thân tỉ tê về một món hời dễ kiếm từ việc tham gia dây hụi. Chỉ với 1 triệu đồng xén ra từ khoản lãi suất gửi ngân hàng, vợ anh đã có ngay 300 ngàn đồng “tiền tươi” cho tháng đầu tiên. Khoản hoa hồng 30% được nhận ngay khi đóng hụi đã khiến vợ anh không còn đủ tỉnh táo để cân nhắc. Thêm vào đó, nhiều chị em trong và ngoài xóm, cả ở những địa bàn khá xa cũng tham gia dây hụi đã càng củng cố thêm lòng tin ở chị về một dây hụi sẽ “khó lòng vỡ được”.
Chị nói, trên phương tiện truyền thông vẫn thường xuyên đưa tin về những vụ giật hụi, vỡ hụi, nhưng chị vẫn cho rằng, với chủ hụi mà chị đang theo thì khó lòng có chuyện đó xảy ra. Chủ hụi không chỉ là người trong làng, mà còn rất khá giả, luôn sành điệu với những món trang sức đắt tiền, quần áo thời thượng và hào phóng chi tiêu bằng những tờ tiền mệnh giá lớn. Chưa kể, hoa hồng được chi ngay và luôn, kể cả khi chị và những người khác đóng hụi với số tiền lớn.
Cứ như vậy, số tiền chị góp hụi ngày càng nhiều, không chỉ các khoản tiền gửi ở ngân hàng cũng được chị âm thầm rút ra mà chị còn vay thêm của người thân quen. Cho đến khi dây hụi bị giật, chị đã góp số tiền lên đến cả tỷ đồng.
Anh vốn không tin vào những “món hời từ trên trời rơi xuống”, trong khi vợ chồng anh đã luống tuổi, không còn đủ sức cày bừa để kiếm tiền, con cái cũng không khá giả gì, và tính chị rất cả tin. Vậy nên anh thường xuyên nhắc nhở chị để tránh không rơi vào bẫy lừa đảo nhan nhản. Có lẽ vì sợ anh ngăn cản mà chị giấu anh cho đến ngày hụi vỡ...
Để giải quyết hậu quả của vợ, anh đành bán căn nhà đang ở, trả nợ cho những người thân mà chị đã huy động vốn và chuyển về ở cùng con trai út trong căn nhà chật chội. Chị đã phải trả khoản phí quá lớn và quá đắt cho một bài học ở cái tuổi lẽ ra đã có độ chín để không sa vào bẫy lừa.
Lâu nay, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo về những vụ lừa đảo, trong đó có các dây hụi biến tướng, không còn là góp vốn xoay vòng như nguyên bản. Truyền thông cũng thường xuyên đưa tin về những dây hụi với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng bị vỡ, chủ hụi ôm tiền bỏ trốn. Vậy nhưng, số người bị lừa đảo bởi tham gia hụi, họ, phường vẫn diễn ra ở cả thành thị lẫn nông thôn.
Về mặt thực tế, phải hiểu rằng, không dễ gì có những khoản lợi nhuận lên đến hàng chục phần trăm/tháng cho hầu hết các hình thức kinh doanh, đầu tư. Vì vậy, hoa hồng kếch xù mà chủ hụi chi ra cho người góp hụi thực chất là trích một phần tiền góp hụi của chính người đó, hoặc lấy tiền của người góp hụi sau để chi cho người trước.
Giật hụi không hề mới, đây là hình thức lừa đảo tồn tại nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được loại trừ triệt để. Các cấp chính quyền, cơ quan chủ quản cần tăng cường các giải pháp quản lý. Đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở, hội, đoàn thể ở khu dân cư cần sâu sát để phát hiện và ngăn chặn sớm những nguy cơ, dấu hiệu lừa đảo. Rất cần quản lý, giám sát tốt các hụi, họ, phường để ngăn chặn nguy cơ lừa đảo, tránh thiệt hại cho người dân.
Song song đó, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác trước các chiêu trò chi hoa hồng cao từ hụi, họ, phường.
Những món hời dễ kiếm được thực chất chỉ có ở trong mơ...
TIỂU CƯỜNG