Từ ước vọng của Bác

Thứ Sáu, 21/06/2024, 18:01 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày này, tập thể người lao động quốc tế Liên doanh Vietsovpetro đón mừng niềm vui lớn khi đã chạm mốc khai thác 250 triệu tấn dầu thô. Con số này nói lên tất cả, đó là sự lao động miệt mài không ngừng nghỉ, là ý chí quyết tâm, sự đồng lòng của tập thể những người lao động Vietsovpetro. Đây cũng minh chứng cho mối quan hệ hợp tác thành công giữa hai nước Việt Nam - Liên bang Nga trong việc bảo đảm khai thác mỏ an toàn, hiệu quả kể từ khi thùng dầu đầu tiên được khai thác tại mỏ Bạch Hổ vào năm 1986, đưa Việt Nam vào danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô thế giới.

Lịch sử ngành dầu khí Việt Nam ghi chép lại, năm 1959, trong chuyến thăm chính thức Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết (Liên Xô), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới khu công nghiệp dầu khí Ba-cu (Azerbaijan). Tại đây, Bác đề nghị: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Azerbaijan nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh…”.

Với quyết tâm xây dựng ngành dầu khí làm động lực để công nghiệp hóa và phát triển nền kinh tế, Bộ Chính trị đã quyết định ký Hiệp định hợp tác chiến lược với Liên Xô, trong đó có việc xây dựng liên doanh hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí trên một số lô ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Cũng từ đây, Hiệp định thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô đã được ký (nay là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro) tại Vũng Tàu.

Vào thời điểm đó, ngành dầu khí nước ta không chỉ thiếu công nghệ, kỹ thuật mà còn thiếu cả vốn, nhân lực có trình độ cao về khoa học kỹ thuật. Cán bộ dầu khí của Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các vị trí chủ chốt về thăm dò và khai thác dầu khí đều là chuyên gia Liên Xô (cũ). Thế nhưng họ đã đến Việt Nam không chỉ làm việc, mà còn hướng dẫn, giúp đỡ để cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Vietsovpetro nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Để theo từng giai đoạn, đội ngũ kỹ sư dầu khí của Việt Nam trưởng thành, thành chuyên gia ngang tầm thế giới.

Trải qua 43 năm hình thành và phát triển, Vietsovpetro đã khẳng định vị thế là đơn vị dẫn đầu trong công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Từ 1 triệu tấn dầu được khai thác, Vietsovpetro đã từng bước ghi những dấu mốc 10 triệu tấn, 100 triệu tấn, 200 triệu tấn và năm 2024 là 250 triệu tấn. Vietsovpetro cũng là đơn vị tiên phong trong ngành dầu khí về áp dụng rộng rãi nhiều giải pháp kỹ thuật - công nghệ tiên tiến, sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, giải pháp bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa đã tăng hệ số thu hồi dầu khí từ 18% lên trên 40% đối với thân dầu trong đá móng. Vietsovpetro cũng là đơn vị có hoạt động sáng kiến - sáng chế mạnh nhất Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Trong 43 năm hoạt động, Vietsovpetro đã có 3.282 đơn đăng ký giải pháp sáng kiến, trong đó có 2.329 đơn được công nhận sáng kiến - hợp lý hóa sản xuất. Hiệu quả kinh tế tính được sau năm đầu tiên áp dụng đã làm lợi hàng trăm triệu USD. Một số công trình tiêu biểu đã đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước và các giải cao tại cuộc thi Sáng tạo khoa học - công nghệ toàn quốc và của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

Ông Vũ Mai Khanh, Tổng Giám đốc Vietsopetro chia sẻ, “Đối với đất nước, đã từng có giai đoạn 1 triệu tấn dầu là ước mơ và khát vọng của cả dân tộc. Với những nỗ lực vượt bậc ở giai đoạn đầu tiên sau khi thành lập, những người làm công tác dầu khí ở Vietsovpetro đã biến những tấn dầu trong “sách vở”, trong tư duy tưởng tượng của các nhà địa chất thành những tấn dầu hiện thực, từ trong lòng đất đưa lên hệ thống công nghệ để thu gom, vận chuyển, xử lý thành những tấn dầu thương phẩm, xuất bán và mang về những đồng ngoại tệ quý giá cho đất nước”.

Có thể khẳng định rằng, 250 triệu tấn dầu là thành tựu rất đáng tự hào của Vietsovpetro nói riêng và của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam nói chung, không chỉ thể hiện trình độ và năng lực của người làm dầu khí trong nước, mà còn thể hiện khát vọng tự mình làm chủ quy trình khai thác khoáng sản từ các tầng địa chất sâu hàng ngàn mét trên thềm lục địa ngoài khơi Việt Nam.

TRƯỜNG SƠN

;
.