Sử dụng bền vững tài nguyên biển

Thứ Tư, 05/06/2024, 17:42 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối tháng 4 vừa qua, theo chân chủ DN chế biến xuất khẩu thủy sản trở lại làng cá Phước Tỉnh (huyện Long Điền) - nơi được mệnh danh làng tỷ phú nức tiếng cả nước một thời, điều mà tôi hết sức ngạc nhiên là khác với sự sầm uất, tấp nập như hình dung thì giờ đây, hàng loạt tàu cá đang nằm bờ.  

Đã nhiều lần đến đây để thực hiện phóng sự về tỷ phú nghề cá Phước Tỉnh, hỏi thăm những cái tên quen thuộc thì chúng tôi nhận được cái lắc đầu tiếc nuối, nhiều người trong số đó đang rao bán tàu. Khó khăn về ngư trường khi nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt, khan hiếm các loại thủy sản có giá trị kinh tế, trong khi đó nhiều ngư dân đầu tư số vốn lớn để đóng tàu có công suất cao đã dẫn tới tình trạng thu không đủ chi.

Thống kê của UBND xã Phước Tỉnh cũng phản ánh rõ thực trạng này, hiện trong số  940 tàu cá từ 12m trở lên đã có đến 60% tàu đang nằm bờ. Ngoài ra từ đầu năm đến nay, gần 20 tàu được bán ve chai hoặc bán sang địa phương khác.

Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) cho thấy, hơn 80% số lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã được khai thác phục vụ phát triển kinh tế, trong đó có đến 25% số lượng cá đang bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt, sản lượng đánh bắt suy giảm rất mạnh. Nhiều loài đang đứng trước nguy cơ không thể bắt gặp trong tự nhiên.

Ngoài nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt, nhận định của Sở TN-MT cũng cho thấy, do việc khai thác chưa hợp lý đã và đang làm cho môi trường, các loại tài nguyên biển ngày càng suy giảm và biến đổi phức tạp. Các hoạt động hàng hải trên hệ thống cảng; nước thải từ các KCN, chế biến thủy sản; tốc độ đô thị hóa... tạo ra hệ lụy là sự ô nhiễm môi trường nước và trầm tích tại các vùng ven biển, cửa sông. Tình trạng chặt phá rừng ngập mặn ven biển đã phá vỡ thế cân bằng tự nhiên. Việc lấn biển xây dựng nhiều công trình kiến trúc, du lịch vẫn còn tồn tại làm cho hệ sinh thái ven biển bị phá vỡ cân bằng tự nhiên.

Trước thực trạng này, thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai đồng loạt các giải pháp với quyết tâm đưa tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia gắn với bảo vệ bền vững các giá trị và tài nguyên biển. Đó là kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; bảo vệ, duy trì và phục hồi đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển; khai thác, đánh bắt thủy sản an toàn, bền vững. Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống logistics cảng biển, dịch vụ hàng hải quốc tế hiện đại; trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế...

Rõ ràng, tài nguyên biển nếu được khai thác hợp lý, hiệu quả sẽ góp phần phát triển bền vững các ngành kinh tế như du lịch và dịch vụ biển, dầu khí, nuôi trồng và khai thác hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Đặc biệt là có vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng. Nhưng nếu không biết vừa khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển thì hệ quả sẽ thấy rõ trong tương lai gần.

Hàng loạt các hoạt động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2024 sẽ được tổ chức từ nay đến hết tháng 6/2024 với chủ đề "Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển”. Đây cũng là dịp để cả nước nói chung, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng khẳng định tiềm lực và quyết tâm phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, đồng thời với bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ quyền quốc gia trên biển. Kỳ vọng với hoạt động này sẽ kết nối tất cả mọi người cùng bảo tồn, phát triển bền vững tài nguyên biển.

NGÔ GIA

;
.