Nước không phải tài nguyên vô tận

Thứ Sáu, 07/06/2024, 17:51 [GMT+7]
In bài này
.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội hôm 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, biến đổi khí hậu tác động lớn tới Việt Nam, trong đó ảnh hưởng nặng nề nguồn nước. Theo bộ trưởng, nguồn nước của nước ta 60% phụ thuộc nước ngoài, 40% từ nội sinh nên để bảo đảm an ninh nguồn nước cần phải bảo đảm nguồn nước nội sinh.  

Thông tin trên khiến không ít người bất ngờ, bởi trong suy nghĩ của nhiều người, một quốc gia có khí hậu nhiệt đới, lượng mưa dồi dào, lại nhiều sông ngòi, ao hồ như Việt Nam, nguồn nước rất dồi dào. Do đó, đại đa số người dân chưa có ý thức tiết kiệm nước trong sản xuất và sinh hoạt. 

Thực tế, tình trạng khan hiếm nước đã và đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, tình trạng thiếu nước đã hiển hiện, nhất là ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và một số địa phương trong các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ. Hạn mặn xâm nhập Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng, gần đây nhất là trong mùa khô năm 2024 vừa qua.

Những năm qua, Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, nhà chuyên môn đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi người dân tiết kiệm nước. Thế nhưng, hành động tiết kiệm nước chỉ mới được thực hiện ở một số cơ quan nhà nước, cơ sở kinh doanh thông qua việc sử dụng thiết bị tiết kiệm nước. Một bộ phận nông dân đã dùng hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây trồng. Một số cơ sở kinh doanh sử dụng nước thải đã qua xử lý đạt quy chuẩn để tưới cây... Còn lại, phần lớn người dân vẫn chưa hình thành thói quen tiết kiệm nước, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp - lĩnh vực sử dụng tới 80% nguồn nước nhưng chủ yếu là dùng hình thức tưới tràn, tưới xả.

Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, nguồn nước hiện nay vẫn đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sinh hoạt và sản xuất nhưng cũng đã từng xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ ở một số thời điểm tại khu vực nông thôn, ảnh hưởng tới chất lượng và năng suất cây trồng, cũng như sinh hoạt của người dân. Với tốc độ tăng dân số cơ học, tốc độ phát triển kinh tế và lượng khách du lịch ngày càng tăng nhanh như hiện nay, nếu người dân, DN không sớm áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước từ bây giờ, chúng ta cũng có thể gặp nguy cơ thiếu nước.

Ai đã từng đến những vùng thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long vào dịp hạn hán vừa qua, chứng kiến cảnh bà con chắt chiu từng ca nước mới thấu hiểu giá trị của nước như thế nào. Ai đã từng đến thăm các nhà giàn DKI, đến các đảo ở quần đảo Trường Sa, chứng kiến cảnh cán bộ, chiến sĩ hải quân sử dụng từng giọt nước ngọt theo một dây chuyền tuần hoàn mới càng thấy rõ việc tiết kiệm nước có vai trò quan trọng như thế nào.

Thiếu nước giờ đây không còn là điều gì đó xa vời, là nguy cơ nữa mà nó đã hiển hiện trong cuộc sống. Điều này cũng được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cảnh báo khi trao đổi thêm với các đại biểu Quốc hội về ý kiến của bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: "Lâu nay, chúng ta chưa bao giờ xem nước là tài nguyên, mặc dù chúng ta nói tài nguyên nước. Nhưng bây giờ đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, chúng ta phải sử dụng nước với tư duy là tài nguyên hữu hạn và phải tiếp cận nền nông nghiệp khan hiếm nước". 

Để bảo đảm an ninh nguồn nước, chúng ta cần phải hành động ngay từ bây giờ. Bên cạnh các giải pháp của Chính phủ và cơ quan chức năng, mỗi người dân cần thay đổi tư duy, tự xây dựng cho mình ý thức và thói quen tiết kiệm nước. Ý thức và thói quen đó cần phải được hình thành ngay từ nhỏ, thông qua các bài giảng, câu chuyện về thực trạng nguồn nước của Việt Nam và thế giới hiện nay, cũng như hướng dẫn trẻ thực hành tiết kiệm nước trong sinh hoạt. Mặt khác, cần vận động nông dân tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt thay cho tưới tràn, tưới xả trong sản xuất nông nghiệp. Kinh nghiệm này có thể học được từ các quốc gia sa mạc, không có nguồn nước dồi dào như Israel là một hình mẫu.

NGUYỄN ĐỨC

 
;
.